Cạn nước mắt khoảnh khắc đưa cậu bé tí hon về với đất mẹ: K'rể đã sống một hành trình đầy ý nghĩa

11 tuổi, cậu học trò tí hon K'Rể đã xa vòng tay ấm, để lại cho thầy Cương và những người yêu mến nỗi buồn đau và sự xót xa.

Nhà cậu bé Đinh Văn K"Rể ở thôn Gò Da, xã Sơn Ba, H.Sơn Hà (Quảng Ngãi). Anh Đinh Văn An, cha cậu bé tí hon, cho biết vợ chồng sinh hai đứa con, đứa lớn sinh ra lớn lên bình thường, còn Đinh Văn K"Rể khi lọt lòng chỉ dài hai gang tay. Từ nhỏ lớn lên hay đau yếu, được cha mang trên cái địu đưa đi lên rẫy. Khi 5 tuổi, cậu bé tí hon này chỉ nặng 3kg, cao 50 cm, nhưng gương mặt em sáng và ánh mắt có hồn. Ánh mắt ấy đã đeo đuổi trong tâm trí thầy Đặng Văn Cương, khi anh làm thầy giáo ở xã vùng cao này.

Cuộc gặp gỡ giữa em và thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba cách đây 7 năm chính là khởi đầu cho câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp về tình thầy trò nơi khó khăn nhất của huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

Thầy Cương tâm sự: "Lần đầu tiên tôi gặp Đinh Văn K"Rể, đó là lúc em nằm trong túi vải của bố. Tôi rất xúc động và nói với bố của em rằng, hãy để cháu ở với tôi một ngày, nếu ở được thì tôi cho cháu đến trường học". 

Sau khi theo học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sơn Ba, Đinh Văn K"Rể đã có thay đổi vượt bậc, từ cậu bé nhút nhát, không tự vệ sinh cá nhân được nay em đã trở thành một học trò tự tin, tinh nghịch được bạn bè và thầy cô quý mến. Mặc dù không nói được nhưng K"Rể luôn bày tỏ chính kiến của mình khi các bạn trêu trọc cũng như trước câu hỏi của cô giáo.

Ngày đầu K"Rể đến trường, em rất rụt rè, không biết vệ sinh cá nhân, không biết mặc quần áo. Thầy Cương đã chỉ bảo từng li, từng tí một. Nay K"Rể đã biết đi dép, mặc quần áo và biết đi vào nhà vệ sinh cá nhân. K"Rể đã tiến bộ rất nhiều, nhận thức của em đã thay đổi, luôn thích đến trường.

Ban đầu, thầy Cương đặt giường cháu K’Rể trong phòng mình cho tiện chăm sóc, nhưng vì để em hòa nhập với bạn bè nên sau cháu ở chung phòng với các bạn. Hằng ngày, thầy Cương chăm sóc K"Rể từ ăn uống đến tắm giặt, thay quần áo, vệ sinh cá nhân.... Những ngày nghỉ, thầy Cương đưa K’Rể đi chơi, bày em tập viết, cứ thế tình "phụ tử" kéo dài. Tình thương của thầy Cương đã giúp cậu bé hết rụt rè với bạn và người lạ.

Tuần rồi, K’Rể về thăm nhà rồi trở lại trường hôm thứ năm thì bị đau đột ngột và nằm ngất trên tay các cô trong trường. Đưa em vào Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh điều trị, thầy giáo Cương túc trực bên em chăm sóc. Nhưng số phận em đến đấy, như chẩn đoán của các bác sĩ, em mắc chứng bệnh hiếm gặp - Seckel (người lùn, đầu chim, rất hiếm gặp trên thế giới), chỉ sống đến ngần này tuổi là đã quá nghị lực.

Tiễn em đoạn đường cuối về với núi rừng, trời mưa tầm tã đường đất khó đi nhưng vẫn có rất đông người thân, dân làng ra đầu đường để đón K"rể. Do ảnh hưởng của mưa bão khiến đường đất sạt lở, mọi người phải đi bộ qua đoạn đường rừng dài 10km để đưa K"rể về nhà.

Suốt cả đoạn đường dài, K"rể nằm gọn trong lòng người thân, còn thầy Cương luôn đi bên cạnh, bóp bình ô xy để cậu bé có thể về được ngôi nhà nhỏ của mình, được gặp gia đình, gặp anh em và nhìn núi rừng quê hương lần cuối trước khi rời cõi tạm.

Những người yêu mến em xót xa về số phận của cậu học trò tí hon K"Rể nhưng đồng thời cũng bày tỏ lòng cảm ơn với thầy giáo Cương, chính thầy cho cuộc sống này thêm niềm tin hơn về tình người, về lòng nhân hậu.