Chuyên gia khí tượng nhận định hiện tượng mưa đá bất thường giữa tháng 2

​​​​​​​Hiện tượng mưa đá, dông sét xuất hiện giữa tháng 2 được chuyên gia khí tượng nhận định là bất thường, báo hiệu mùa thiên tai diễn ra khó lường, phức tạp.

Những ngày vừa qua, các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa dông kèm gió giật mạnh và mưa đá. Lý giải nguyên nhân và diễn biến bất thường của đợt mưa đá, dông lốc này, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục 24 - 26 độ Vĩ Bắc bị đẩy dịch về phía Nam bởi một khối không khí lạnh từ phía Bắc kết hợp với hội tụ trong rãnh gió Tây trên cao, đồng thời nền nhiệt độ chung ở các tỉnh Bắc Bộ thời gian qua khá cao, độ ẩm lớn trong khí quyển đã tạo điều kiện thuận lợi cho mưa dông phát triển mạnh.

Ở các tỉnh vùng núi phía Bắc thời gian qua do có sự gặp gỡ xáo trộn mạnh giữa các khối khí nóng và lạnh, khô và ẩm nên đã là điều kiện lý tưởng tạo ra những đám mây đối lưu phát triển mạnh, gây ra các trận lốc xoáy, gió giật mạnh, mưa đá trên diện rộng.

Theo quy luật thì dông lốc mạnh ở nước ta xảy ra cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm khi có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa.

Tuy nhiên, năm 2019, “mưa đá, nền nhiệt độ tăng cao hơn trung bình nhiều năm ngay giữa tháng 2 này báo hiệu cho thấy một mùa thiên tai sẽ diễn ra khó lường, phức tạp trong thời gian tới”, ông Năng nhận định.

Vì vậy, ông Trần Quang Năng lưu ý, để chủ động ứng phó với thiên tai nói chung và mùa mưa, dông, lốc, sét, mưa đá sắp tới, người dân và chính quyền địa phương cần chú ý theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai từ các cơ quan hữu quan.

Giông lốc đã làm gãy đổ nhiều cây cổ thụ ở Thái Nguyên. Ảnh: Quân Trang

Trước đó, đêm ngày 17/2 tại Thái Nguyên giông lốc đã làm 571 nhà dân bị tốc mái, nhiều cột điện và cột viễn thông bị gãy đổ, 1 trạm biến áp bị cháy. Tại Bệnh viện đa khoa Gang Thép (TP.Thái Nguyên), gió lốc giật sập đổ 500 m2 mái tôn chống nóng của Khoa Khám bệnh, gây hư hỏng 5 ô tô, 8 xe máy và hơn 20 cây xanh gãy đổ. Toàn tỉnh Thái Nguyên đã thiệt hại về tài sản khoảng 3,3 tỉ đồng.

Tại tỉnh Lào Cai, 538 ngôi nhà bị ảnh hưởng do mưa đá, dông lốc, trong đó 20 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 140 nhà bị thiệt hại từ mức độ nhẹ đến nặng, 312 nhà bị tốc mái và 66 nhà bị hư hỏng công trình phụ trợ như: nhà vệ sinh, nhà bếp, chuồng trại... Đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, tổng diện tích bị ảnh hưởng và thiệt hại lên tới 17,1 ha; hơn 1.000 con gia cầm bị thiệt hại.

Điện Biên, mưa lớn, mưa đá kèm lốc xoáy đã khiến 1 người mất tích; 255 nhà dân bị thiệt hại, trong đó 1 nhà bị nghiêng cần di dời ở huyện Tuần Giáo, 16 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 238 nhà bị tốc mái, 14 điểm trường bị tốc mái; 1 thuyền bị chìm tại lòng hồ Sông Đà ở Tủa Chùa; 1 nhà thi đấu đa năng bị sập, một số tường bao và cổng nhà bị gãy đổ. 

Hà Giang, mưa dông mạnh gây thiệt hại nặng về tài sản tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Bắc Mê. Tổng thiệt hại do mưa dông trên địa bàn tỉnh ước tính gần 6 tỷ đồng.