Chuyện về “dị nhân” dành 40 năm biến nhà của mình thành “bảo tàng cổ vật”

Sau 4 thập niên rong ruổi trên khắp các cung đường trên cả nước để kiếm tìm cổ vật, ông Nguyễn Văn Trường được người dân Vĩnh Phúc gọi vui bằng cái tên “dị nhân” bởi những việc làm lạ đời…

Từ lâu, người ta vốn đã không còn lạ lẫm với câu chuyện những người đam mê đồ cổ bỏ bê mọi việc chỉ để chạy theo tiếng gọi của những "đồ vật tuổi cao". Thế nhưng một người dành trọn cuộc đời mình xây dựng lên căn nhà gắn toàn đồ cổ sưu tầm được thì có lẽ vô cùng hiếm. Ông là Nguyễn Văn Trường, sống tại thôn Sơn Kiệu, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngôi nhà có một không hai ấy nằm cuối cùng trong con ngõ nhỏ nhưng lại ấn tượng ngay từ cổng bởi hàng tường bao đã gắn đầy những chiếc đĩa cổ. Phía bên trên là hàng loạt những chiếc bình, bát, chum từ nhiều chất liệu khác nhau được đặt lẫn lộn trên mảng tường dài cả chục mét dẫn vào nhà.

Gặp chúng tôi, ông Trường hào hứng giới thiệu về ngôi nhà đặc biệt của mình. Người đàn ông mới bước sang tuổi 58 tuổi nhưng đã có bộ râu dài và bạc trắng. Mái tóc thưa được ông buộc gọn phía sau, toát lên khí chất của một người mang chất nghệ sĩ.

Bước sâu vào bên trong, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước một lượng lớn đồ cổ được gắn lên khắp nhà. Đồ cổ được phủ kín từ những mảng tường lớn bên trong nhà cho đến những chiếc cột nhà, từ phòng khách cho đến nhà bếp, nơi nào cũng xuất hiện những đồ vật nhuốm màu thời gian. Thậm chí, ngay phía bậc thềm bước lên nhà cũng được gắn dày đặc các đồng xu cổ. Nổi bật nhất là khoảng không gian phía trước nhà, cũng là nơi ông Trường đặt bàn uống nước mỗi khi tiếp khách. Ông bảo, những cổ vật "đắt giá" nhất sẽ được trưng bày tại đây. Đó là những chum nước, bình hoa có niên đại nhiều đời cho đến bát đĩa, đồng xu từ xa xưa. Tất cả được ông gắn chặt lại với nhau thành một khối cấu trúc vô cùng lạ mắt. "Trên mảng tường này, có cả những cổ vật từ thời Lý, Trần, Lê… với giá trị rất cao thế nhưng tôi không bán mà để dành ở đây để trưng bày", ông Trường kể.

"Vào khoảng những năm 94, 95, trong một lần đến vùng Na Hang thu mua đồ cổ, vì trời tối mà tôi đâm xe vào đống rơm làm toàn bộ đồ cổ trong cả chuyến đi ấy vỡ hết. Lúc đấy vừa tiếc công, vừa xót tiền, tôi phải nhặt nhạnh lại hết các mảnh vỡ đem về. Trong đầu tôi lúc nào cũng nhen nhóm ý tưởng về một ngôi nhà chứa đầy đồ cổ để khi về giá ngắm nhìn mỗi ngày cho thỏa đam mê. Rồi sau này còn cháu mình có thể thưởng thức những giá trị văn hóa vô cùng ý nghĩa này", ông Trường kể thêm.

"Đồ cổ làm khổ vợ con"

Trong suốt 17 năm trời từ khi bắt tay vào công đoạn gắn lên từng mảnh gốm, từng chiếc đĩa, chiếc bát cổ lên nhà, ông không nhận được sự đồng tình, hỗ trợ nào từ vợ con. Ai cũng cho rằng việc làm này là gàn dở, chẳng giống người thường. "Điều kiện kinh tế không có, cứ được bao nhiêu tiền lại đổ hết vào đây nên nhiều khi vợ chồng va chạm cãi vã. Đúng là đồ cổ làm khổ vợ con", ông cười hiền.

Chính ông Trường cũng phải tự tìm tòi cách thức làm sao gắn những cổ vật lên trông cho có bố cục, lại đẹp mắt trong khi ông chưa từng học gì liên quan đến kiến trúc hay thiết kế. Để gắn được những cổ vật lên tường với độ chắc chắn như vậy, ông đã phải kì công ngay trong cách trộn vữa. Vữa phải theo tỉ lệ 4 xi măng - 1 cát. Trong đó, cát được chọn phải là loại cát nhỏ, được đãi hết nước đục và đãi liên tục nhiều lần để đảm bảo trường tồn qua năm tháng.

"Mỗi cổ vật đều có một tâm linh, bởi vậy mà luôn cần bảo vệ, lưu giữ chúng để cho con cháu mai sau. Việc xây dựng ngôi nhà với toàn bộ cổ vật sưu tầm suốt gần 40 năm không chỉ để thỏa mãn niềm đam mê của riêng tôi mà còn để góp một phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Dần dà, vợ con tôi cũng hiểu và đồng tình với việc làm tôi", ông Trường giãi bày.