Cúm A: Các phương pháp chẩn đoán cần nắm bắt

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Ngoài virus cúm thì các loại virus khác cũng có thể gây ra bệnh hô hấp với triệu chứng tương tự như cúm. Vì vậy, để biết nguyên nhân chính xác của bệnh cúm A cần phải thực hiện xét nghiệm.

Bài viết dưới đây tổng hợp các vấn đề liên quan đến cúm A để độc giả hiểu rõ hơn về căn bệnh này, có biện pháp phòng ngừa tránh nguy cơ mắc bệnh.

1. Đối tượng nguy cơ mắc cúm A

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Cúm A thường xuất hiện trong các đợt cúm mùa và gây ra đại dịch vì virus cúm A thường xuyên thay đổi và phân nhóm tạo thành chủng mới từ cúm mùa này sang cúm mùa khác. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân đến từ virus xâm nhập và gây tổn thương hệ hô hấp của người bệnh ở các vị trí như mũi, cổ họng và phổi. Phần lớn cúm sẽ tự khỏi trong thời gian ngắn nhưng cũng có khi cúm sẽ gây nên những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí người bệnh có thể bị tử vong do cúm, đặc biệt là các đối tượng sau:

- Người lớn trên 65 tuổi.

- Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nặng hơn là đối với những trẻ dưới 2 tuổi.

- Phụ nữ đang có thai và phụ nữ sau khi sinh 2 tuần.

- Người mắc chứng béo phì, thừa cân khi chỉ số cơ thể BMI ở mức trên 40.

- Người cao tuổi trong các viện dưỡng lão.

- Người mắc bệnh lý mạn tính: bệnh tim, hen suyễn, bệnh gan, thận, tiểu đường.

- Người suy giảm miễn dịch, đề kháng yếu.

Người lớn trên 65 tuổi có nguy cơ mắc cúm A cao. Ảnh minh họa

2. Khả năng lây truyền của virus cúm như thế nào?

Virus cúm lây truyền từ người sang người thông qua những giọt bắn chứa virus khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi... Các chủng virus cúm đang lưu hành phổ biến tại Việt Nam là virus cúm A, B, C và gặp nhiều nhất là cúm A và cúm B. Khả năng lây truyền của virus cúm rất khủng khiếp và là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới khi cúm bùng phát thành dịch.

Cúm không ngoại trừ bất kỳ đối tượng nào và tỷ lệ nhiễm những chủng virus cúm mới rất cao - lên tới 90% ở cả đối tượng người lớn lẫn trẻ em. Các biến chứng nghiêm trọng có thể gặp do cúm gây ra là viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai, thậm chí là viêm não và có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh.

3.Có bao nhiêu loại chủng virus cúm A?

Virus cúm A liên tục thay đổi và có khả năng gây ra những trận đại dịch lớn. Hiện có rất nhiều chủng virus cúm A đang lưu hành trên toàn cầu, trong đó phổ biến nhất là các chủng A/H1N1, A/H5N1, A/H3N2, A/H7N9, trong đó chủng A/H7N9 và A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch bệnh. 

4. Đặc điểm cấu tạo của virus cúm A

Virus cúm A có hệ gen là RNA sợi đơn âm bao gồm tám phân đoạn gen riêng biệt mã hóa cho 11 protein khác nhau của virus. Vỏ của virus cúm A có bản chất là glycoprotein, gồm 2 kháng nguyên: kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hoà N (Neuraminidase). Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã phát hiện được 15 loại kháng nguyên H (H1-H15), 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Những cách tổ hợp khác nhau của các loại kháng nguyên có thể tạo nên những phân tuýp khác nhau của virus cúm A.

Virus cúm A có thể thay đổi kháng nguyên khi gặp một số điều kiện thuận lợi như người sống gần các loại gia cầm, vật nuôi như gà, lợn. Virus cúm A có thể bị giết chết ở nhiệt độ 56 độ C trong vòng 3 giờ và 60 độ C trong 30 phút. Các chất tẩy uế thông thường như formalin, iodine cũng có tác dụng diệt trừ virus trên các bề mặt. Các tuýp virus có độc lực cao có khả năng tồn tại lâu trong môi trường, đặc biệt là ở nhiệt độ thấp virus có thể tồn tại ít nhất là 35 ngày trong nhiệt độ 4 độ C. Nếu đông băng, virus có thể tồn tại trong nhiều năm.

Virus cúm A liên tục thay đổi và có khả năng gây ra những trận đại dịch lớn.

5. Diễn biến các giai đoạn của bệnh cúm A

Cúm A có thời gian ủ bệnh dài hơn bệnh cúm mùa thông thường. Cúm A có thể ủ bệnh từ 2-8 ngày và có thể kéo dài lên đến 17 ngày. Tuy nhiên, phơi nhiễm nhiều lần với virus có thể dẫn đến việc khó xác định chính xác thời gian ủ bệnh của bệnh nhân. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, thời kỳ ủ bệnh 7 ngày áp dụng cho việc điều tra và theo dõi những người đã từng có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm A.

Người mắc bệnh cúm A thường đào thải virus trong khoảng thời gian từ 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng. Trong một số trường hợp có thể dài hơn từ 7-10 ngày.

Nếu được phát hiện và kịp thời điều trị, người mắc bệnh cúm A có thể khỏi bệnh trong vòng 7 – 10 ngày. Sau 5 ngày, bệnh nhân thường hết sốt, sổ mũi và đau đầu; nhưng ho và mệt mỏi có thể còn tiếp tục kéo dài. Tất cả các triệu chứng của bệnh thường biến mất hoàn toàn sau khoảng 1-2 tuần.

6. Các phương pháp chẩn đoán bệnh cúm A

Xét nghiệm cúm có độ nhạy, độ đặc hiệu và chính xác cao phải được thực hiện trong các phòng thí nghiệm chuyên ngành. Ngoài ra, còn có xét nghiệm cúm có sẵn để phát hiện virus cúm trong bệnh phẩm hô hấp. Dựa theo thứ tự ưu tiên có những phương thức chẩn đoán sau:

– RT-PCR: Đây là phương pháp xét nghiệm có độ nhạy cao nhất và đặc trưng nhất để kiểm tra virus cúm. Phương pháp này cho kết quả trong vòng 4-6 giờ, có độ nhạy cao và rất hữu ích để phân biệt nhanh giữa các loại cúm.

– Miễn dịch huỳnh quang: Cho thấy độ nhạy và độ đặc hiệu thấp hơn, nhưng kết quả có sẵn trong vài giờ sau khi nhận mẫu. Hiệu suất của xét nghiệm này phụ thuộc vào chuyên môn của kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và chất lượng của mẫu thu thập được.

– Xét nghiệm nhanh (RIDTs): Có thể cung cấp kết quả trong khoảng 10-15 phút, nhưng không chính xác. Hiệu suất của xét nghiệm này phụ thuộc nhiều vào tuổi của người bệnh, thời gian mắc bệnh, loại mẫu bệnh phẩm và loại virus cúm. Do có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp nên cần kết hợp với các phương pháp khác khi kết quả xét nghiệm âm tính.

– Phân lập virus: Không phải là xét nghiệm sàng lọc, nhưng trong thời gian hoạt động của cúm, nên thực hiện trên mẫu bệnh phẩm hô hấp thu thập từ những người nghi ngờ cúm xuất hiện trong vòng 5 ngày sau khi phát bệnh, đặc biệt là những người có yếu tố dịch tễ với dịch cúm. 

– Xét nghiệm huyết thanh: Thường không được khuyến cáo để phát hiện bằng chứng nhiễm virus cúm ở người để kiểm soát bệnh cấp tính, kết quả chỉ hữu ích cho chẩn đoán hồi cứu và cho mục đích nghiên cứu.

Xét nghiệm là cách phân biệt các loại cúm chính xác nhất.

7. Phương pháp điều trị cúm A

Theo BS Mã Thanh Phong (Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM), cúm A có thể khỏi sau 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách. Đối với các trường hợp mắc cúm A, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại chỗ, chỉ một số ít bệnh nhân chuyển biến nặng cần phải cấp cứu kịp thời.

Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị cúm A như sau:

Điều trị tại nhà

Để người bệnh nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.

Uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Uống nhiều nước, ăn uống chế độ hợp lý, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đồ ăn dễ tiêu hóa, hạn chế uống nước lạnh.

Tắm nước ấm, mặc quần áo nhẹ, thông thoáng để giảm nhiệt độ cơ thể.

Nếu trường hợp sau 7 ngày các triệu chứng vẫn chưa thuyên giảm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Trong thời gian đó, người bệnh nên hạn chế ra ngoài những nơi công cộng hoặc tiếp xúc với nhiều người, nếu có thì phải mang khẩu trang y tế.

Điều trị tại cơ sở y tế

Những trường hợp tiến triển nặng, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời cấp cứu và điều trị để được theo dõi, xét nghiệm và chỉ định dùng thuốc kháng virus phù hợp.

Thuốc được chỉ định để điều trị cúm A không biến chứng cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn là Tamiflu. Nếu thuốc được dùng trong 48 giờ, thời gian điều trị sẽ rút ngắn còn 1-3 ngày. Các trường hợp biến chứng nặng sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị cùng các loại thuốc kháng sinh khác.

Lưu ý thuốc Tamiflu không phải là thuốc đặc trị chữa cúm A mà chỉ là thuốc hỗ trợ điều trị, do đó hiệu quả tối đa nhất khi sử dụng trong vòng 24 giờ. 

Trường hợp bệnh nhân mắc cúm A nặng cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Ảnh: Hoàng Huy

8. Biện pháp phòng ngừa cúm A

Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc cúm: Nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác bệnh. Từ đó, có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.

Vệ sinh cá nhân cẩn thận: Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch cồn hoặc xà bông tiệt trùng sau khi cầm nắm đồ vật hoặc đến nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc người nghi mắc cúm, tránh tập trung nơi đông người trong mùa dịch.

Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc với dung dịch sát khuẩn, mở cửa sổ thông thoáng.

Tăng cường sức đề kháng bằng việc tập luyện thể dục, chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.

Tiêm vaccine cúm đầy đủ, đúng lịch, nhất là các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao cần được tiêm phòng trước mùa dịch.