Cúm A: Những điều cần biết khi dùng Tamiflu

Hiện cúm A đang gia tăng và tâm lý chung của nhiều người mắc cúm là muốn dùng thuốc kháng virus Tamiflu để điều trị “chặn” cúm A, nhưng dùng khi nào và dùng thế nào cho an toàn lại ít người biết.

Theo ThS. Trần Đăng Khoa (Đại học Y Dược TP.HCM), hiện cúm A đang gia tăng, tâm lý chung của nhiều người mắc cúm là muốn dùng thuốc kháng virus Tamiflu để điều trị “chặn” cúm A, nhưng dùng khi nào và dùng thế nào cho an toàn thì ít người biết?

1. Tamiflu có tác dụng thế nào với cúm A?

Tamiflu có hoạt chất chính là oseltamivir - có tác dụng kháng virus. Thuốc được chỉ định để hỗ trợ và giúp giảm triệu chứng sớm của cúm A. Thuốc không có tác dụng đối với cảm cúm thông thường.

Hơn nữa, với cúm A, thuốc có hiệu quả nhất khi được dùng trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu có các triệu chứng.

Nếu Tamiflu được sử dụng đúng và trong vòng 24-48 giờ kể từ khi có triệu chứng cúm, thuốc có thể giúp giảm thời gian điều trị bệnh từ 2 – 3 ngày. Nhưng nếu sử dụng Tamiflu từ sau 48 giờ kết quả điều trị càng ít có tác dụng.

2. Dùng Tamiflu sao cho an toàn?

Tính đến thời điểm này, Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt 4 loại thuốc kháng virus sau trong điều trị cúm A và B:

Oseltamir (tamiflu) dạng thuốc viên và dạng bột uống). Zanamivir dạng bột hít và dạng tiêm. Peramivir dạng tiêm tĩnh mạch. Baloxavir đường uống. Tamiflu được cho là dùng cho cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường chỉ có loại hàm lượng dành cho người lớn, do đó rất khó chia liều để dùng cho trẻ em.

Hơn nữa, với cúm thông thường nói chung và cúm A nói riêng, nếu chỉ mắc bệnh với các triệu chứng nhẹ thì bệnh sẽ lui dần và tự khỏi, không phải trường hợp nào cũng cần dùng Tamiflu. Bệnh nhân không nên tự ý uống thuốc.

Đặc biệt là đối với trẻ em mắc cúm A, cha mẹ không được tự mua thuốc về chia nhỏ liều để cho trẻ uống. Bởi việc chia nhỏ viên thuốc có thể dẫn đến tình huống quá liều hoặc thiếu liều cần thiết cho trẻ.

Hơn nữa, việc sử dụng Tamiflu không cần thiết hoặc sai liều sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc. Bên cạnh đó, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

Buồn nôn, khó ngủ, tiêu chảy, chóng mặt, mệt mỏi, đỏ mắt, phát ban, nổi mẩn đỏ, ngứa hoặc sưng ở cổ họng, lưỡi, miệng... Một số tác dụng phụ nghiêm trọng như: Nhầm lẫn, mơ màng, kích động mạnh, thậm chí là có ý định tự sát... Mặc dù tình trạng này rất hiếm gặp, nhưng nếu việc sử dụng thuốc tràn lan và lạm dụng thuốc thì tỉ lệ tác dụng phụ này có thể gia tăng.

Chính vì thế, để an toàn dùng Tamiflu, chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Khi đã được kê đơn thuốc kháng virus để dùng như là một cách điều trị cúm A tại nhà, nên uống thuốc theo đúng chỉ định.

Tamiflu có 2 dạng bào chế là viên nang và dạng bột. Với viên nang cần uống trực tiếp cả viên với nhiều nước lọc. Với dạng bột cần lấy đủ liều lượng, pha với nước sạch, khuấy tan thuốc và uống. Lưu ý không để lại lượng thuốc bám trên thành cốc mà cần tráng lại cốc và uống hết.

3. Biện pháp nào phòng cúm A?

- Hằng năm nên tiêm vaccine phòng cúm mùa.

- Sinh hoạt hàng ngay cần lưu ý vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày.

- Tránh tiếp xúc với người có các triệu chứng cúm.

- Sử dụng khẩu trang y tế.

- Ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh.