Đại biểu Quốc hội nói gì về việc “biến” sông Tô Lịch thành điểm du lịch, văn hóa, tâm linh?

Theo ĐBQH, sông Tô Lịch không chỉ là yếu tố văn hoá, tâm linh, mà còn là yếu tố môi trường liên quan đến sức khoẻ cộng đồng, nên nếu có thể khiến dòng sông trở về trạng thái xanh, sạch như ban đầu hoặc gần như ban đầu thì cần ưu tiên.

Liên quan đến thông tin cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - văn hoá – tâm linh Tô Lịch", trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Đại biểu Quốc hội, nhà Sử học Dương Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ nếu có thể tiến hành việc phục hồi tối đa dòng sông.

Bởi lẽ, trong tâm tưởng của người dân cả nước nói chung và người dân Thủ đô nói riêng, sông Tô Lịchlà một di sản lâu năm đã in sâu vào tâm trí, tuy nhiên, kể từ thời kỳ Hà Nội không còn là kinh đô, dòng sông đã bắt đầu bị xuống cấp. Đặc biệt là sau thời kỳ Hà Nội được giải phóng đến nay, dòng sông bị huỷ hoại bởi quá trình đô thị hoá.

Theo ĐBQH Dương Trung Quốc, có thể nói, đã có thời kỳ, dòng sông Tô Lịch là linh hồn của Hà Nội, nên việc làm mất đi dòng sông này cũng là điều đáng tiếc, kể cả ở góc độ tâm linh, phong thuỷ. Vì vậy, nếu có thể phục hồi được tối đa là tốt nhất.

Ngoài ra là bài toàn kinh tế cũng rất quan trọng, Doanh nghiệp đứng ra làm thì cũng phải có cái lợi và cái lợi đó có thực không? Có tạo ra được giá trị tích cực không?", ĐBQH Dương Trung Quốc cho hay.

Đây là bài toán khó chứ không hề đơn giản, vì đây không phải là công trình nhà nước đứng ra làm, cho nên ngoài việc tính đến lợi ích tương xứng khi đầu tư thì ta cần phải có cơ chế pháp luật, vừa giám sát vừa kiểm soát; đồng thời cũng phải mở ra cho đơn vị thực hiện những điều kiện thuận lợi".

Đồng quan điểm với ý kiến trên, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, dòng sông Tô Lịch ở Hà Nội không chỉ là vấn đề mỹ quan mà còn là vấn đề sức khoẻ của cộng đồng. Vì vậy, không có lý do gì mà người dân không ủng hộ việc "biến" một nguồn tài nguyên đã chết thành một nguồn tài nguyên sống.

Bởi thực tế, việc phục hồi hoặc khiến một dòng sông xuyên thành phố thành điểm du lịch có yếu tố tâm linh thì một số nước trên thế giới đã làm.

"Hiện nay, dòng sông Tô Lịch đã ô nhiễm quá lớn, quá lâu rồi nên việc giải quyết vấn đề này không phải là một sớm một chiều, mà chúng ta vừa làm vừa phải học. Ở công nghệ nào cũng vậy, cũng phải có sự hài hoà giữa thiên nhiên, môi trường với yếu tố văn hoá. Hơn nữa, nếu dự án này thực sự được sử dụng từ nguồn vốn Nhật Bản thì tôi mong muốn Hà Nội ủng hộ việc cải tạo, làm sao cho dòng sông sớm được phục hồi", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho hay.