Đảm bảo tính bền vững triển khai can thiệp ngừa lây nhiễm HIV trong nhóm MSM

Trong khoảng 10 năm trở lại đây số người nhiễm HIV mới trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đã tăng lên gấp 6 lần…

Đồng tính không phải là bệnh

Hiệp hội Tâm thần học Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định: Đồng tính không phải là bệnh, chỉ là sự khác biệt về khuynh hướng tính dục, vì vậy đồng tính không thể chữa, không cần chữa và cũng không làm cách nào thay đổi được.

ThS. BS Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: Người đồng tính có cuộc sống, khát vọng và tương lai giống như những người bình thường khác. Tuy nhiên, đối với cá nhân những người có quan hệ đồng tính, nên nắm rõ kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, để giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và cũng là bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Bởi hiện nay với tư duy cởi mở, nhiều người bộc lộ khuynh hướng tính dục là đồng tính, song tính gia tăng. Điều đó cũng kéo theo một số hệ lụy như làm gia tăng các bệnh lây qua đường tình dục, trong đó có HIV…

Đồng tính là khái niệm chỉ sự hấp dẫn tình yêu, tình dục, yêu đương, hay quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau trong một hoàn cảnh tạm thời hoặc lâu dài…

Gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, cần có giải pháp can thiệp kịp thời

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong khoảng 10 năm trở lại đây thì số người nhiễm mới HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đã tăng lên gấp 6 lần.

Cụ thể, nhóm nam quan hệ đồng giới hiện có khoảng 300.000 người. Tỉ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh ở nhóm này, từ năm 2012 đến 2020 tăng từ 2,3% lên 13,3%.

Kết quả khảo sát của Cục Phòng chống HIV/AIDS trong nhóm này cũng cho thấy, có đến 8%-11% người được khảo sát cho biết từng quan hệ tình dục tập thể.

ThS. BS Cao Kim Thoa cho biết, nguyên nhân khiến lây nhiễm mới HIV gia tăng trong nhóm MSM trong thời gian gần đây là do: Người trong quần thể này có nhiều cơ hội tìm kiếm và gặp gỡ bạn tình hơn, tần suất quan hệ tình dục đồng giới tăng kéo theo nguy cơ lây nhiễm HIV nếu một trong hai người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta đã thực hiện một số dịch vụ can thiệp hiệu quả như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, tuy nhiên có thể do e ngại sợ lộ thông tin, hoặc chương trình chưa trở lên phổ biến cũng là nguyên nhân tác động đến tình trạng này.

 Việc mở rộng điều trị PrEP là hết sức cần thiết để phòng ngừa lây nhiễm HIV

Theo ThS. BS Cao Kim Thoa, song song với việc cung cấp bao cao su, chất bôi trơn cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, thì việc mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là hết sức cần thiết.

Hiện độ bao phủ dịch vụ đang chiếm khoảng 20% với nhiều mô hình, cách tiếp cận hiệu quả như: Lưu động (PrEP mobik), tư vấn cung cấp dịch vụ trực tuyến (Alo PrEP), đưa dịch vụ đến khu nhà trọ của công nhân, vào các trường đại học...; huy động cả hệ thống cung cấp dịch vụ tư nhân vào cuộc.

Việc mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho khách hàng các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đặc biệt là nhóm MSM …

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đến 30/6/2022, đã có 210 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 34.381 khách hàng (đạt 76.4% so với chỉ tiêu 45.000 khách hàng năm 2022).

Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động này hầu hết đang có nguồn tài trợ quốc tế hỗ trợ, chưa đưa vào bảo hiểm y tế nên tính bền vững chưa cao.