Đang hụt hơi, doanh nghiệp như 'túm' thêm được cọc trước thông tin giảm tiền thuê đất năm 2024

GĐXH - Bộ Tài chính đề xuất hai phương án với 2 mức giảm tiền thuê đất phải nộp là 15% và 30%, các doanh nghiệp như gặp được "phao cứu sinh".

Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về việc giảm tiền thuê đất năm 2024.

Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất hai phương án với hai mức giảm  tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 là 15% và 30%. Bộ Tài chính cho rằng, mức giảm sâu hơn là 30% phù hợp với tình hình diễn biến mới về kinh tế - xã hội của cả nước. Mức giảm này cũng tương ứng với mức giảm của các năm 2021, 2022 và 2023. Đây sẽ là nguồn lực nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, nhất là sau những ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Trước đề xuất này, ông Nguyễn Mạnh Trung – đại diện chủ đầu tư Dự án một khu du lịch tại TP Đà Nẵng như gặp được "phao cứu sinh".

Bởi lẽ, theo ông Trung, Dự án khu du lịch mà ông đang đại diện chủ đầu tư có một phần nhỏ là công trình xây dựng, phần còn lại của dự án là cảnh quan, cây xanh, đường nội bộ mà tiền thuê đất chủ đầu tư phải trả với mức giá đất thương mại dịch vụ.

 

Bộ Tài chính đề xuất hai phương án với 2 mức giảm tiền thuê đất phải nộp là 15% và 30%, các doanh nghiệp như gặp được "phao cứu sinh". Ảnh Internet

Theo quy định, tiền thuê đất sẽ điều chỉnh theo chu kỳ 5 năm một lần. Tại chu kỳ năm 2017-2021, công ty của ông Trung phải trả tiền thuê đất cho thành phố hơn 7 tỷ đồng/năm nhưng đến chu kỳ 2022-2026, tiền thuê đất tăng lên hơn 27 tỷ đồng/năm.

Ông Trung cho biết, vào những năm có đại dịch COVID-19, doanh thu chỉ được 1 tỷ đồng trong khi đó tiền thuê đất là 7 tỷ đồng.

Năm 2022 đóng cửa nửa năm, doanh thu 36 tỷ đồng, tiền thuê đất chiếm 70% doanh thu là 27 tỷ đồng. Mặc dù Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm 30% tiền thuê đất và cho chậm nộp nhưng địa phương lại tăng hơn 300% tiền thuê đất. Do đó, mức đóng trong chu kỳ năm 2022-2026 là khoảng 27 tỷ đồng/năm.

Ông Trung cho biết, để có thể nộp tiền thuê đất, ông phải bán nhà cửa, tài sản tích lũy bao nhiêu năm để đắp đổi. Bởi nếu chậm nộp công ty sẽ bị cưỡng chế thuế và phong tỏa tài khoản.

Mức đóng tiền thuê đất tăng, trong khi sau dịch COVID-19, mọi hoạt động kích cầu kinh tế đối với doanh nghiệp ông Trung không thể đạt như mong mỏi. Bởi vậy, nếu đề xuất giảm tiền thuê đất được chấp thuận, doanh nghiệp của ông Trung sẽ được giảm rất nhiều khoản tiền thuê đất hàng năm. Do đó, ông Trung mong được giảm tiền thuê đất hàng năm.

Theo ông Trung, nếu không được mức giảm 30% thì với mức tiền đóng gần 30 tỷ đồng/năm, thì mức giảm 15% vẫn là chiếc "phao cứu sinh" đối với doanh nghiệp của ông Trung.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, mặc dù trình 2 phương án nhưng Bộ Tài chính đã đề xuất phương án 2. Nguyên do tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.

Ngoài ra, đầu tháng 9/2024, cơn bão Yagi đã đổ bổ vào Việt Nam, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất thêm 1 phương án nữa là tăng gấp 2 lần mức giảm tiền thuê đất dự kiến ban đầu, tức là tăng lên thành 30%.

Theo Bộ Tài chính, mức giảm tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 theo quy định pháp luật. Không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2024 và tiền chậm nộp (nếu có).

Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định pháp luật về tiền thuê đất, mức giảm tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ.