ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: "Nếu tách Luật Giao thông đề nghị chuyển lực lượng CSGT về Bộ GTVT"

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nêu ý kiến, nếu tách 2 luật đề nghị ngành Công an chuyển lực lượng CSGT về Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ, giữ nguyên quyền lợi, chế độ cho anh em.

Hiện Quốc hội đang tổng hợp phiếu xin ý kiến Đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nêu ý kiến của mình, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Chúng ta thấy rằng giao thông đường bộ là một lĩnh vực mang tính chuyên ngành, chuyên sâu. Hiện chúng ta có các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường không, nếu tách thì sau này tiếp tục có Luật an toàn giao thông của từng lĩnh vực đúng không? Hay chúng ta có một luật giao thông riêng về an toàn Hiến pháp? Tôi cho rằng, những lý do cơ bản nêu trong báo cáo này đều thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Giao thông vận tải, UBND các cấp liên quan đến người, phương tiện, hạ tầng giao thông chứ không phải của lĩnh vực khác".

Đại biểu đoàn Bến Tre cũng dẫn chứng, trong Báo cáo 399 cũng nêu vấn đề: Hành vi của người tham gia giao thông là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng, cấu thành nội hàm, khái niệm bảo đảm an toàn giao thông.

Từ đó, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn: "Thế thì không khác gì "tách con ra khỏi mẹ" mà "cắt gan lại đi ghép thận" thế là không ổn. Tôi cho rằng những vấn đề phụ thuộc vào vấn đề thi hành pháp luật phải được khắc phục bằng những biện pháp phù hợp và nằm trong khái niệm của Luật Giao thông đường bộ".

Một vấn đề nữa đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, nếu tách ra sẽ tăng thêm thủ tục hành chính: "Đây là một trong những vấn đề có thể nói rằng nó đi ngược lại, thậm chí không phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của chúng ta về cải cách thủ tục hành chính. Nếu vậy, đây là biện pháp chẻ đôi luật, chẻ đôi các loại thủ tục".

Ngoài ra, đại biểu Nhưỡng cũng chỉ ra sẽ gây hệ lụy về vấn đề pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, tiềm ẩn xung đột thẩm quyền, nhiệm vụ, thậm chí là lợi ích.

"Ở đây đừng nói là không xung đột lợi ích, rõ ràng là có xung đột. Có thể xâm hại quyền lợi của Nhà nước, của người dân gây lãng phí nguồn lực khác và dẫn đến "quyền anh, quyền tôi"", đại biểu Nhưỡng thẳng thắn.

Ngoài ra, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng bày tỏ băn khoăn: "Bây giờ chúng ta không có cơ sở gì để phá vỡ luật mà Quốc hội đã thông qua từ 2008 đang thực hiện, nó chỉ được đánh giá là có một số vấn đề mà chúng ta cần khắc phục. Tự nhiên chúng ta lại tách đôi ra, việc này tôi cho rằng không được".

Nếu tách luật thì chuyển lực lượng CSGT sang Bộ GTVT quản lý

Đại biểu đoàn Bến Tre cũng cho biết, một số cử tri hoạt động trong lĩnh vực pháp luật cũng đã trao đổi với ông bày tỏ rất bức xúc, đồng thời không đồng tình tách thành 2 luật và cho rằng nếu tách không đảm bảo được nguyên lý.

Theo đại biểu, cử tri cho rằng, bản chất Luật Giao thông đường bộ là điều chỉnh các hành vi, các quan hệ xã hội trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đây là một thể thống nhất, được sinh ra vì trật tự giao thông.

"Giờ nếu lại tách ra là trái với những nguyên lý căn bản về mặt pháp lý, một bộ phận không thể tách rời thì không thể tách ra được, tôi cho là như vậy", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Bộ GTVT hết sức nghiêm túc trong quá trình cho ý kiến đánh giá về những vấn đề liên quan đến giao thông vận tải.

Cuối cùng, vị đại biểu đoàn Bến Tre cũng đề nghị: "Nếu tách 2 luật thì đề nghị ngành Công an chuyển CSGT về Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ, giữ nguyên quyền lợi, chế độ cho anh em, thậm chí tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông cho ngành giao thông, cùng với thanh tra giao thông để xử lý những vấn đề có liên quan đến vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ như vậy còn hiệu quả hơn vấn đề tách 2 luật này và làm xáo trộn những vấn đề về mặt pháp lý".