Động đất ở Kon Tum chưa từng có trong lịch sử

Trong khoảng thời gian hơn 100 năm, khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) chỉ ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Trong khi từ năm 2021 đến nay, tại đây đã xảy ra 169 trận động đất.

Động đất ở Kon Tum rất phức tạp

Sáng 19/4, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với hoạt động động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, cho biết từ đầu năm đến nay, diễn biến động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã diễn ra rất phức tạp, trong đó có một trận động đất với độ lớn 4.5 độ richter. 

Ban chỉ đạo tổ chức cuộc họp để nhận diện tình hình động đất biến động, tìm hiểu nguyên nhân, khả năng thiệt hại và các giải pháp ứng phó cho chính quyền và  người dân vùng động đất.

Ông Nguyễn Xuân Anh báo cáo tạo cuộc họp sáng nay.

Ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và lân cận đã ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên, trong đó chỉ có hai trận động đất xảy vào năm 1937 có độ lớn 3.9 và năm 2015 có độ lớn 3.0.

Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay đã ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2.5 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đặc biệt trong các ngày 15 đến 18/4 đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận có độ lớn từ 2.5 đến 4.5

Trong thời gian từ tháng 4-2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần suất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Đánh giá sơ bộ nhận định hiện tượng động đất liên tiếp ở Kon Tum là động đất kích thích, nghĩa là có tác nhân kích hoạt như thủy điện, hồ chứa nước... tạo ra động đất.

Viện Vật lý địa cầu dẫn chứng vào tháng 3/2021, một thủy điện tại đây tích nước, sau đó liên tiếp xảy ra các trận động đất. "Với tình huống hiện tại cần tiếp tục quan trắc hoạt động động đất và tiến hành nghiên cứu các đứt gãy ở khu vực cũng như vấn đề tích nước của các hồ" - ông Xuân Anh phân tích.

Trận động đất có độ lớn 4.5 vừa xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum). Ảnh: DT

Cần lập trạm quan trắc động đất địa phương

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất có khả năng gây ra tại khu vực trên, Viện Vật lý địa cầu kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai xem xét cho phép thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về độ nguy hiểm và rủi ro động đất đối với khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Cụ thể, cơ quan chuyên môn tiến hành đánh giá chi tiết mô hình cấu trúc và độ lớn động đất cực đại có khả năng phát sinh của các hệ thống đứt gãy khu vực huyện Kon Plông và lân cận; Thiết lập ngay một mạng trạm quan sát động đất địa phương (gồm 5 trạm) tại khu vực huyện Kon Plông và phụ cận; Nghiên cứu nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất, đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng các kịch bản ứng phó rủi ro có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông; Rà soát, đánh giá về công tác thiết kế kháng chấn đối với các dự án thủy điện và các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo Viện Vật lý Địa cầu, mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực xảy ra động đất, song các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống nhân dân trong khu vực.