Gần 1 triệu người trên thế giới tử vong, Myanmar ghi nhận số mắc cao chưa từng có

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận gần 282.000 trường hợp mắc COVID-19 và gần 5.000 ca tử vong. Nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu lên trên 32,7 triệu, trong đó 992.008 người thiệt mạng.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là ở các tâm dịch Mỹ, Ấn Độ và Brazil.

Một số nước khác ở châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh trong những tuần gần đây, buộc các chính phủ phải tăng cường các biện pháp chống dịch. 

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất Châu Âu, báo cáo thêm 4.122 ca nhiễm mới và 114 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 735.198 và 31.232. Nước này đã đưa ra cảnh báo giai đoạn khó khăn hơn đang ở phía trước, khi số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt 700.000 ca, cụ thể đang là 704.209 ca, trong đó có 31.118 ca tử vong. Vùng thủ đô Madrid hiện là "điểm nóng" dịch, chiếm 1/3 số ca phải nhập viện. Chính quyền Madrid đã áp đặt phong tỏa một phần tại nhiều quận có tỷ lệ lây nhiễm cao với gần một triệu người. Cư dân tại các khu dân cư đông đúc có thu nhập thấp ở miền Nam Thủ đô chỉ được phép rời khu vực để đi làm, khám bệnh hoặc đưa con đi học từ ngày 21/9.

Tại Pháp, Bộ Y tế cũng thông báo số ca mắc COVID-19 trong ngày ở mức cao nhất. Nước này ghi nhận thêm 15.797 ca nhiễm, nâng tổng số lên 513.034, trong đó 31.661 người chết, tăng 150 trường hợp.

Các quán bar và nhà hàng ở Marseille, thành phố lớn thứ hai của Pháp phải đóng cửa từ 23/9. 8 thành phố lớn khác, bao gồm thủ đô Paris, sẽ ban hành hạn chế mới như giới hạn tụ tập ở nơi công cộng dưới 10 người và áp giờ đóng cửa sớm hơn với quán bar.

Theo thống kê của trang worldometers.info, trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng gần 15.900 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng hơn 200 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 648.729 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 502.837 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 6 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Trong khi đó, Việt Nam, Brunei, Campuchia, Timor-Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 25/9.

Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Philippines số ca tử vong tiếp tục xu thế giảm trong những ngày gần đây. Vùng dịch lớn nhất khu vực hiện có gần 300.000 ca nhiễm và khoảng 5.200 ca tử vong, tăng lần lượt gần 2.700 và 70 ca.

Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực.

Vùng dịch lớn thứ hai khu vực này ghi nhận 266.845 ca nhiễm, tăng 4.823 so với hôm trước, trong đó 10.218 người chết, tăng 113 ca. Thủ đô Jakarta đang siết chặt những biện pháp hạn chế, giảm thiểu hoạt động của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại và nơi thờ phụng. Người dân không được dùng bữa tại nhà hàng và tới quán cà phê.

Singapore tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Vùng dịch lớn thứ ba khu vực này đã ghi nhận 27 người chết và 57.665 người nhiễm, tăng 11 ca. Phần lớn các ca nhiễm mới vẫn là người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá.

Singapore sẽ thí điểm chương trình thẻ thông hành cho các lãnh đạo doanh nghiệp cần đi công tác thường xuyên, khi họ tiếp tục nới lỏng một số hạn chế liên quan đến COVID-19. Chính phủ cho biết số lượng thẻ sẽ bị giới hạn trong giai đoạn đầu.

Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận 111 ca bệnh trong ngày 25/9, nâng con số mắc lên gần 10.700.

Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại khi ghi nhận tới gần 770 ca bệnh mới trong 1 ngày qua, lên hơn 9.100 ca ghi nhận được với 174 ca tử vong (tăng 24 ca).