Ghi từ ổ dịch COVID-19 thứ 2 của Hải Dương: "Tôi chỉ sợ mình kiệt sức…"

"Tôi không sợ ốm, nhưng sợ mình kiệt sức trong lúc này khi công việc quá nhiều, bề bộn và thương anh em...", Trạm trưởng Trạm Y tế xã Liên Hồng tâm sự.

Khi chúng tôi có mặt tại Trạm Y tế xã cũng là lúc 4 cán bộ nhân viên của Trạm và 6 thanh niên tình nguyện đang ăn vội bữa cơm giữa ánh sáng hắt ra từ những chiếc điện thoại...

Xen lẫn câu chuyện ngắn ngủi giữa PV và Trạm trưởng Trạm Y tế xã Liên Hồng là những cuộc điện thoại gọi cho bà Tới từ cơ quan chức năng để hỏi thông tin tình hình dịch bệnh, hỏi số liệu điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm, khai báo y tế...

Theo chia sẻ của nữ Trạm trưởng, từ sáng Chủ nhật (23/8) sau khi biết tin anh Đ.Đ.K (SN 1987, trú tại thôn Thanh Xá) có kết quả dương tính thì ngay lập tức các nhân viên y tế của đơn vị được triệu lập tiến hành lập danh sách truy vết các trường hợp F1, F2. 

Đến 9h sáng cùng ngày Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã Liên Hồng họp gấp và từ đó đến nay bà Tới cùng các nhân viên tại Trạm bị cuốn vào công việc. Trong cuộc đời làm nghề y của mình, bà Tới không thể hình dung được khối lượng lớn cũng như áp lực công việc đến từ nhiều phía và liên tục thay đổi theo diễn biến của dịch trên địa bàn.

Riêng 2 ngày đầu khối lượng công việc quá nhiều chúng tôi không ai kịp ăn cơm chỉ uống nước rồi làm tiếp, đến đêm ngày thứ 3 khi mở hộp cơm ra ăn thì đã 3h sáng nhưng không thể nuốt nổi do để lâu cơm hỏng. Đêm hôm trước có 1 nữ nhân viên của Trạm do nhớ con không về được nên gọi qua Facebook, khi nhìn thấy mặt con chị bật khóc, đến lúc đi ngủ cũng khóc, nghĩ thương nhưng không làm cách nào được vì công việc nên không thể về…".

Trạm Y tế xã Liên Hồng có 5 cán bộ nhân viên y tế (4 nữ, 1 nam, trong đó có 1 nhân viên đang nghỉ sinh) và có 5 cán bộ y tế thôn đội. Từ ngày 14/8, khi TP. Hải Dương thực hiện cách ly xã hội, toàn bộ y tế thôn đội và 1 nhân viên của Trạm tham gia trực chốt tại các điểm chốt của thành phố. Sau khi dịch COVID-19 xuất hiện tại địa phương, bà Tới đề xuất với Ban chỉ đạo cho toàn bộ lực lượng đó về Trạm để hỗ trợ công việc.

Tuy nhiên, những cán bộ y tế thôn đội tham gia làm việc ban ngày, còn buổi tối mọi công việc đều do 4 nhân viên của Trạm đảm nhận. Công việc nhiều, lực lượng của Trạm mỏng nên mọi người không thể ngơi tay hay dành thời gian cho gia đình. Vì vậy, nếu thiếu thứ gì cho sinh hoạt, nhân viên Trạm nhắn người thân mang đến cổng và ra lấy. Thậm chí, Trạm trưởng còn đề xuất với cơ quan y tế cấp trên xin thêm người về hỗ trợ công việc và được đáp ứng.

Một cán bộ y tế đang phát phiếu cho các hộ dân trong khu cách ly Thanh Xá. Ảnh: Đ.Tùy

Cũng theo bà Tới, xã Liên Hồng có 5 thôn thì thôn Thanh Xá có dân số đông nhất với khoảng trên 900 hộ và hơn 3.000 nhân khẩu. Cho nên, những ngày qua cùng với việc hướng dẫn người dân đến khai báo y tế, cán bộ Trạm còn tiến hành truy vết các trường hợp liên quan đến 3 bệnh nhân, cửa hàng tạp hoá Hiếu Trang, tiến hành lấy mẫu sàng lọc, phân loại và tổ chức đưa các trường hợp đi cách ly tập trung…

Trong khi đó, hàng ngày Trạm tổ chức 3 tổ để đến từng hộ gia đình trong khu cách ly kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn nhân dân vệ sinh phòng dịch, khai báo, kiểm tra; trường hợp nào biểu hiện bất thường sẽ báo với Ban chỉ đạo để có hướng xử lý kịp thời. 

Chỉ riêng số người khai báo liên quan đến cửa hàng tạp hoá Hiếu Trang 5 ngày qua lên đến hơn 1.000 trường hợp và trong ngày 25/8 có hơn 200 người trong ổ dịch và địa phương được đưa đi cách ly tập trung.

Do diễn biến dịch thay đổi nên hàng ngày Ban chỉ đạo vừa điều hành công việc qua nhóm Zalo cũng như tổ chức nhiều cuộc họp để kịp thời ứng phó; thông thường các họp diễn ra buổi tối còn ban ngày dồn sức làm việc. Mấy ngày vừa rồi, công việc nhiều trong khi thời tiết hay mưa nắng thất thường càng khiến lực lượng chống dịch địa phương vất vả.

"Tôi sợ mình kiệt sức trong lúc này...". Ảnh: Đ.Tùy

Bà Tới tâm sự: "Chúng tôi là cơn quan chuyên môn vất vả là chuyện thường tình, nhưng các thành viên trong Ban chỉ đạo xã cũng vất vả không kém. Nhiều đêm nay, Ban chỉ đạo trực cả ngày lẫn đêm tại trụ sở để khi có tình huống xảy ra còn kịp thời chỉ đạo, điều hành và thực hiện. Đến chiều hôm kia, Chủ tịch xã Liên Hồng mặc quần áo chống dịch, tay cầm loa vào khu cách ly y tế để hỗ trợ chúng tôi… Thế mới thấy chống dịch vất vả, gian khổ như thế nào.

Tôi sợ mình kiệt sức trong lúc này khi công việc quá nhiều, bề bộn và thương anh em. Tôi chỉ mong: người dân hãy chủ động đến khai báo y tế, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch để không có thêm những ca dương tính từ ổ dịch địa phương… Đó là niềm mong muốn lớn nhất của chúng tôi bây giờ".