Hai bộ phim Việt 'hot trend' có câu chuyện bi kịch do trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới

Qua góc nhìn sinh động của phim ảnh, những câu chuyện về bất bình đẳng giới, trọng nam khinh nữ đã làm thay đổi đáng kể nhận thức sai lệch của một bộ phận khán giả.

Gần đây có hai bộ phim truyền hình khá nổi tiếng đề cập đến câu chuyện này là "Về nhà đi con", "Hoa hồng trên ngực trái". Tuy không phải là bộ phim có chủ đề chính là bất bình đẳng giới mà chỉ được hiện lên với vai trò "dẫn chuyện" nhưng với cách kể hấp dẫn, mới mẻ, câu chuyện về bất bình đẳng giới, trọng nam khinh nữ đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của khán giả.

"Hoa hồng trên ngực trái" - lời cảnh tỉnh sâu sắc cho thói trọng nam khinh nữ

"Hoa hồng trên ngực trái" xoay quanh loạt nhân vật chính là phụ nữ nhưng trong phim, những nhân vật nữ này lại chịu nhiều đè nén, không được coi trọng.

Câu chuyện bắt đầu từ bi kịch trong gia đình Khuê (Hồng Diễm đóng). Thái - chồng cô (Ngọc Quỳnh đóng) vốn là người gia trưởng, bảo thủ và mê tín. Xuất thân từ một gia đình khá giả lại thêm ngoại hình đẹp trai, ngay từ lúc thanh niên, Thái đã thể hiện bản tính lăng nhăng tới mức làm hai cô có bầu. Thái chọn Khuê chỉ vì nghe theo lời ông thầy bói, chứ thực tế cũng không yêu thương Khuê tới mức thực lòng. Khi chọn Khuê, anh ta ép cô gái còn lại đi phá thai dẫn đến cái chết vô cùng oan uổng và thương tiếc của cả hai mẹ con.

Khi kết hôn, Khuê sinh cho chồng 2 cô con gái mà không có con trai. Chính vì vậy mà khi nghe "tiểu tam" thông báo có thai, lại là con trai, anh ta tìm mọi cách để đuổi Khuê ra khỏi nhà.

Nhưng ngay cả khi chưa có người thứ 3 chen vào thì Thái cũng là gã chồng tệ bạc. Anh ta không cho vợ đi làm vì luôn quan niệm phụ nữ chỉ biết làm việc nhà và đẻ, còn lại chẳng được tích sự gì. Tất cả mọi việc trong nhà, Khuê đều phải phụ thuộc vào chồng nên càng khiến cô bị coi thường. Ngay cả ngoại tình, Thái cũng công khai chứ không cần giấu giếm. Nếu Khuê tranh luận, nói chuyện phải trái thì sẽ bị đe dọa, thách thức: "Nếu đã không làm ra tiền thì nên im mồm và biết điều. Không tôi sẽ cho cả cô và gia đình cô biết tay đấy!".

Ngay bản thân Khuê cũng không nhận ra giá trị của bản thân. Cô nhu nhược, nhún nhường với chồng, luôn tự nghĩ bản thân là kẻ không có trình độ, năng lực nên chấp nhận cuộc hôn nhân đầy bi kịch của mình.

Từ quan niệm thích con trai của Thái đã dẫn đến ân oán kéo dài. Từ chỗ lừa dối cùng lúc hai cô gái, Thái bị em của người yêu cũ lên kế hoạch trả thù. Anh ta bị chính "tiểu tam" lừa lại, khiến gia đình tan nát, còn Thái thì bị phá sản. 

Bộ phim là lời cảnh báo chân thực cho thói trọng nam khinh nữ, cũng như mong muốn phụ nữ phải hiểu được giá trị của bản thân. Giống như Khuê, từ chỗ không có nghề nghiệp, ra đi với hai bàn tay trắng, cô đã đấu tranh để tìm lại hạnh phúc cho mình. Cô khởi nghiệp từ chính khả năng nấu nướng và ngày càng thành công hơn trong lĩnh vực ẩm thực.

Về nhà đi con – Thông điệp sâu sắc về gia đình và bình đẳng giới

Trong phim, ông Sơn (NSND Trung Anh) được mệnh danh là "ông bố quốc dân", thế nhưng thời trẻ, ông cũng như bao người đàn ông của thời trước là mong mỏi có người nối dõi tông đường. Từ quan niệm đó mà cuộc đời ông gặp không ít đau khổ và sự dằn vặt sau này.

Vợ ông Sơn ba lần sinh con thì cả ba lần đều là gái nên bị chồng ghẻ lạnh, bỏ bê để rồi chết khi lâm bồn vì không có chồng ở bên. Điều này đã khiến cô con gái út tên Dương (Bảo Hân đóng) bị ám ảnh suốt 20 năm. Từ nhỏ, Dương đã không cảm nhận được tình yêu của bố, cô tự biến mình trở thành con trai bằng cách cắt tóc ngắn và ăn mặc như nam giới. Tính tình Dương nổi loạn, thích gây hấn và luôn sẵn sàng xung đột với bố.

Trong khi đó Huệ (Thu Quỳnh đóng) do phải thay mẹ chăm sóc các em từ bé đã sớm hình thành trong cô đức tính hi sinh, chịu thương chịu khó. Đến khi lấy chồng, cô tự bó buộc bản thân vào lễ giáo, bất chấp người chồng có máu vũ phu. Ngay cả như vậy, ông Sơn vẫn không chấp nhận việc con gái bỏ chồng. Chỉ đến khi chứng kiến bi kịch của con, ông mới dần thay đổi nhận thức.

Nói như thế là tôi muốn kết luận rằng, luận điểm "phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng" chỉ đúng 50% mà thôi. Nếu người phụ nữ không can đảm đứng lên đấu tranh cho tình yêu, cho hạnh phúc, cho sự bình đẳng của mình thì người đàn ông, dù có cố gắng cách mấy, cũng không thể đem lại cho vợ mình hạnh phúc trọn vẹn được".