Học sinh lái ô-tô gây tai nạn, bố mẹ liên đới chịu trách nhiệm ra sao?

Theo luật sư, học sinh chưa đủ 18 tuổi mà điều khiển phương tiện đều trong tình trạng không có giấy phép lái xe. Vì vậy, bố mẹ là người giám hộ đều liên đới chịu trách nhiệm dân sự và cả hình sự.

Những ngày qua, hình ảnh về một chiếc ôtô 4 chỗ ngồi mang nhãn hiệu Huyndai va chạm với xe máy cùng chiều và tiếp tục lao lên vỉa hè, tông ít nhất 4 xe máy khác, khiến 1 người bị thương và 5 xe máy bị hư hỏng, tại đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) đã khiến dư luận quan tâm.

Đáng chú ý, người điều khiển phương tiện xe ôtô trên là một học sinh đang theo học cấp 3. Qua đó, cơ quan chức năng khẳng định, tài xế trẻ tuổi này chưa đủ tuổi để điều khiển phương tiện giao thông. Sự việc một lần nữa khiến dư luận dậy sóng, phẫn nộ.

Anh Nguyễn Văn Tài (32 tuổi, ở Thanh Xuân) thẳng thắn: “Với những trường hợp như trên, cần phạt thật nặng, không cấp giấy phép lái xe vĩnh viễn với những “cậu ấm, cô chiêu” bất chấp tính mạng người đi đường như thế này”.

Hiện trường vụ tai nạn do nam sinh chưa đủ 18 tuổi gây ra. 

 

Về những kiến nghị xử lý từ độc giả, trao đổi với PV, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Tất cả những người điều khiển phương tiện giao thông đều phải được phép của pháp luật, thông qua giấy phép lái xe. Vì xe ôtô có nguy cơ gây nguy hiểm cao độ, cho nên việc đào tạo bằng lái xưa nay rất được chú trọng. Luật định là người điều khiển phương tiện xe ôtô được cấp giấy phép lái xe phải đủ từ 18 tuổi trở lên.

Có thể nói, hầu hết, học sinh đều không đủ 18 tuổi, nên đều lái xe trong tình trạng là không có giấy phép lái xe. Vì không có giấy phép nên là sẽ không có kỹ năng xử lý các tình huống khi lái xe và gây tai nạn là điều khó tránh khỏi. Điều đó rõ ràng, đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự”.

Luật sư Trương Anh Tú trao đổi với PV ThoidaiPlus. 

Cũng theo Luật sư Trương Anh Tú: “Tuỳ từng trường hợp mà xử lý hình sự, hoặc là miễn trách nhiệm hình sự. Khi người chưa thành niên điều khiển xe ôtô gây ra tai nạn, bố mẹ phải có một phần liên đới về trách nhiệm dân sự đối với người chưa thành niên. Cụ thể, bố mẹ liên đới chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường trách nhiệm ngoài hợp đồng, bao gồm chi phí thuốc men, chi phí điều trị tại bệnh viện, chi phí bồi dưỡng sau nhập viện và bao gồm cả phần thu nhập bị mất...

Đối với trường hợp gây tai nạn dẫn đến chết người, thì nhiều khả năng sẽ phải khởi tố vụ án, để điều tra làm rõ các hành vi để xử lý theo quy định của pháp luật. Khởi tố vụ án ở đây là tội về vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 202 BLHS). 

Bố mẹ là người giám hộ đối với người chưa đủ 18 tuổi cũng bị xem xét chịu trách nhiệm hình sự với góc độ là giao xe cho người chưa đủ 18 tuổi điều khiển, gây tai nạn. Vì vậy, tuỳ theo các tình tiết như tự ý lấy xe hoặc được giao xe cho đi mà bố mẹ chịu mức phạt liên đới khác nhau”.

“Người chưa đủ 18 tuổi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và gây ra tai nạn là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, mà xã hội, gia đình và nhà tường phải hết sức quan tâm, lưu ý. Tôi cho rằng, nhà trường khó mà kiểm soát hết được các em. Tuy nhiên, qua sự việc này, các nhà trường cần mở đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật giao thông đường bộ, để cho xã hội không phải chứng kiến những sự việc đau lòng tương tự như trên”, Luật sư Trương Anh Tú nói.