Hơn 40.000 bé gái ở Việt Nam không được sinh ra vì lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới

Bà Hà Thị Quỳnh Anh cho biết theo ước tính, mỗi năm trên thế giới sẽ có khoảng 1,2 triệu phụ nữ và trẻ em gái không được sinh ra (missing girl) và con số này ở Việt Nam là 40.800.

Một trong những chỉ số quan trọng được Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra trong cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 (công bố cuối năm 2019) là tỷ số giới tính khi sinh - SRB. Về mặt khái niệm, chỉ số SRB phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra sống. Tỷ số này thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. 

Theo Tổng cục Thống kê, SRB của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay. Trong đó, SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái).

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho hay, từ đầu những năm 2000 cho đến nay, SRB Việt Nam gia tăng. Tốc độ có thể khác nhau tuy nhiên xu hướng chung là gia tăng. 

"Vào thời điểm đó, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi là liệu có phải nguyên nhân là do lựa chọn giới tính thai nhi hay không? Tuy nhiên, lúc đó chúng ta chưa có các số liệu đủ lớn để khẳng định xu hướng này ở Việt Nam" - TS Hồng nhớ lại. Ngay sau đó, các chuyên gia về nhân khẩu học đã phân tích số liệu tổng điều tra dân số năm 1999 và tiến hành các phân tích số liệu biến động dân cư hàng năm và đi đến khẳng định rằng SRB bắt đầu có xu hướng mất cân bằng. 

Các chuyên gia nhận định bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của SRB chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ ý và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu.

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia Giới và Nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), cho hay ngày 17/7 vừa qua UNFPA đã tổ chức Lễ công bố báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2020. Đây là sự kiện thường niên của quỹ Dân số LHQ và mỗi một năm báo cáo này sẽ tập trung vào một chủ đề khác nhau. Năm nay một chủ đề rất quan trọng và chạm đến trái tim của hàng triệu người trên toàn thế giới đã được lựa chọn đó là: Trái với ý muốn của tôi - xóa bỏ các thực hành gây tổn hại tới phụ nữ và trẻ em gái và gia tăng bất bình đẳng.

Báo cáo đã đưa ra 19 thực hành có hại và lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới là một trong những thực hành có hại này. Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới được cho là thực hành có hại vì nó đã vi phạm nghiêm trọng quyền con người, chà đạp lên nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.

"Thử tưởng tượng xem hàng năm có hơn 40.000 trẻ em gái ở Việt Nam đã không được sinh ra vì thực hành lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới" - bà Quỳnh Anh thông tin và cho rằng cần phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng này.

Tháng 4/2020, UNFPA phối hợp với sứ quán Na Uy và Chính phủ Việt Nam để công bố chương trình mới “Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại ở Việt Nam”. Đây là giai đoạn hai của chương trình toàn cầu về xóa bỏ sự ưa thích con trai và nâng cao giá trị của trẻ em gái. Chương trình tập trung vào những mục tiêu chính như truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về ưa thích con trai; Tăng cường việc thu thập bằng chứng cho việc xây dựng, chỉnh sửa chính sách và chương trình để giải quyết vấn đề này; Tăng cường việc thực thi luật pháp chính sách.

Tại Việt Nam, hoạt động truyền thông sẽ đặc biệt tập trung vào việc huy động sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào việc thay đổi các quan niệm xã hội về giới thông qua chương trình "Làm cha trách nhiệm" nhằm huy động sự tham gia của nam giới trong việc xây dựng các chuẩn mực mới về giới. Ví như nam giới chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái cùng với phụ nữ và không sử dụng các hành vi bạo lực với phụ nữ; hoặc các chiến dịch truyền thông nâng cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái.

"Gần đây chúng tôi có triển khai một loạt các hoạt động truyền thông với chủ đề "Sinh con gái, hái niềm vui"; "Là con gái để tỏa sáng"... và thông qua đó để truyền đi thông điệp rằng nếu được trao quyền phụ nữ hoàn toàn có thể làm được những công việc mà nam giới vẫn thường làm" - bà Quỳnh Anh cho hay.