Khẩn trương tất trình cơ chế giá điện 2 thành phần, xăng dầu, xuất khẩu gạo

GĐXH - Theo đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ đang khẩn trương hoàn tất trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực năng lượng (điện, xăng dầu) như khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo...

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2024 ngày 23/10, Thứ trưởng  Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để hoàn thành kế hoạch năm 2024, ngành Công thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ như:

 

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, ngành Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Bảo Loan

Khẩn trương hoàn tất trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực  năng lượng (điện, xăng dầu) như khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, cơ chế  giá điện 2 thành phần, cơ chế khung giá các loại hình điện năng, Nghị định về kinh doanh  xăng dầu ; sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, thành lập Hội đồng gạo quốc gia….

Tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là tập những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi) để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất;

Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá;

Tiếp tục tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng.

Triển khai Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... nhằm bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng.