Không đổi mới đào tạo nhân lực, ngành Y tế không thể vươn cao, tiến xa

Chiều 10/9, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, chủ trì cuộc làm việc với chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng các trường đại học y-dược trực thuộc Bộ Y tế.

Cùng dự buổi làm việc có GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế; lãnh đạo các Vụ/Cục chức năng liên quan.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo báo cáo tóm tắt về đối mới đào tạo nhân lực y tế; Mô hình đào tạo bác sĩ y khoa; Báo cáo đề xuất về đổi mới đào tạo nhân lực y tế và tổ chức thi quốc gia đánh giá năng lực nghề nghiệp; Dự thảo Quy định về đào tạo đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ; Báo cáo về việc thành lập Hội đồng y khoa Quốc gia và tổ chức triển khai thực hiện; Xây dựng hai Trung tâm đánh giá năng lực nghề nghiệp…

Các đại biểu đã thảo luận về các nội dung liên quan đến đổi mới đào tạo nhân lực y tế; vai trò của Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường; cũng như các mong muốn của các trường trong thực hiện tự chủ hoạt động... Thi cấp chứng chỉ hành nghề là khâu đột phá, nâng cao chất lượng nhân lực ngành Y

Một trong những lĩnh vực được lựa chọn đổi mới đầu tiên là nhân lực ngành Y. Theo Quyền Bộ trưởng, không đổi mới nhân lực thì không thể vươn cao, tiến xa được và việc này cần quá trình, không thể ngày một ngày hai.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, trong quá trình thực hiện đổi mới đào tạo nhân lực toàn diện các trường phải xác định là không cạnh tranh với nhau mà cạnh tranh các trường y khoa trên thế giới. "Mong rằng các đồng chí chủ tịch, hiệu trưởng các trường cần quán triệt tinh thần đổi mới đó đến toàn thể nhà trường"- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thực hiện đổi mới đào tạo nhân lực để ngành Y tế phát triển theo Nghị quyết 20 ngang bằng các nước trong khu vực và các nước trên thế giới, ngành Y tế xác định lấy việc thi cấp chứng chỉ hành nghệ là khâu đột phá để nâng cao chất lượng. Trong giai đoạn đầu, có thể ở mức độ khó vừa phải nhưng giai đoạn sau sẽ siết chặt, độ khó ngang với thi lấy chứng chỉ hành nghề ở các nước tiên tiến.

"Không thể "mẹ hát con khen hay", bác sĩ tốt nghiệp các trường ra đều được hành nghề như nhau. Về lâu dài, điểm thi cấp chứng chỉ hành nghề sẽ là căn cứ để các bệnh viện tuyển chọn nhân lực" – Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

Quyền Bộ trưởng chia sẻ, tại các nước như Úc, Mỹ, muốn hành nghề, nhân viên y tế phải thi cấp chứng chỉ, trong khi bằng Đại học chỉ là một căn cứ. "Tới đây chúng tôi sẽ quyết liệt trong công tác thi cấp chứng chỉ hành nghề này. Đơn cử, người nước ngoài muốn được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải thành thạo tiếng Việt" – GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Cùng đó, việc thi cấp chứng chỉ hành nghề này sẽ được thực hiện sớm không đợi đến năm 2030 mà sẽ được thực hiện khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực. Một điểm được Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh là việc đổi mới đào tạo, phải theo thông lệ quốc tế nhưng vẫn phải đảm bảo có yếu tố Việt Nam.