Lo ngại Omicron xâm nhập, nhiều nơi kiểm soát chặt người nhập cảnh, dừng hoạt động đông người dịp Tết

Nhiều tỉnh, thành đã lập kế hoạch, phương án ứng phó nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19, đặc biệt là trước lo ngại biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam.

Kiểm soát chặt người nhập cảnh

Để ứng phó biến chủng mới Omicron, thực hiện hướng dẫn giám sát và phòng chống COVID-19 biến thể Omicron của Bộ Y tế, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch về xây dựng thế trận y tế ứng phó biến thể Omicron.

Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm dịch tại cửa khẩu hàng không, hàng hải. Giao Công an TP, Bộ đội biên phòng tăng cường các biện pháp an ninh hàng hải, giám sát ngăn chặn và phát hiện sớm, xử lý nghiêm những trường hợp lên bờ, xuống tàu bất hợp pháp cũng như trên bộ, biên giới.

Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động theo dõi sức khỏe, tầm soát, sàng lọc tại cơ sở y tế, trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm phát hiện và thông báo sớm cho cơ quan chức năng. Tổ chức xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Các phòng xét nghiệm chủ động phát hiện sớm bằng cách xem xét dấu hiệu thiếu gen S trong các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2. Thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen tất cả các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thuộc nhóm người nhập cảnh trong vòng 28 ngày; người tái nhiễm COVID-19. Tất cả các trường hợp trên, sau khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly điều trị và xét nghiệm giải trình tự gen.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết địa bàn TP.HCM chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng mới Omicron.

TPHCM, Đà Nẵng kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh.

Tại Đà Nẵng, đối với tất cả các chuyến bay nhập cảnh đưa người về đều kiểm soát chặt chẽ, xét nghiệm nếu phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sẽ cách ly khu vực riêng và tiến hành phối hợp giải trình tự gen để xác định biến chủng Omicron. Thành phố đã thiết lập khu vực riêng, trước mắt có khoảng 20 giường để cách ly, điều trị cho các trường hợp nhập cảnh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 để tiến hành theo dõi và xác định nguy cơ biến chủng mới, sẽ không điều trị chung với các bệnh nhân COVID-19 khác.

Tương tự tại Cần Thơ, Sở Y tế TP. Cần Thơ đã có phương án trình UBND TP. Cần Thơ để tăng cường phòng chống biến chủng Omicron, trong đó tiếp tục tập trung kiểm soát dịch tại cộng đồng; đặc biệt đối với người nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Cần Thơ. Tất cả hành khách nhập cảnh qua sân bay Cần Thơ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP. HCM để xác định chủng vi rút nhằm kịp thời phát hiện trường hợp chủng Omicron.

Dừng một số hoạt động đông người dịp Tết

Tại Tây Ninh, những ngày gần đây, thông tin từ Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 Tây Ninh, số ca mắc mới COVID-19 tại tỉnh này đã vượt 900 ca/ngày. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Tây Ninh sẽ không tổ chức bắn pháo hoa, họp mặt kiều bào, hội thề Rừng Rong…

Chỉ một số sự kiện được tổ chức nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, như Lễ khai mạc hội xuân núi Bà Đen năm Nhâm Dần 2022; viếng nghĩa trang Liệt sĩ; chương trình "Tết sum vầy" cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Vĩnh Long thiết lập thêm nhiều trạm y tế lưu động để khẩn trương đáp ứng tình hình dịch.

Tại Vĩnh Long, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, TP Vĩnh Long thành lập thêm 5 trạm y tế (TYT) lưu động, đặt tại các Phường 2, 4, 5, 8 và 9. Đến nay, thành phố có 9 TYT lưu động với chức năng triển khai các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, các TYT lưu động này đang kết nối giữa chăm sóc, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, nhằm phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng điều trị, hạn chế các trường hợp chuyển nặng và tử vong do mắc COVID-19, Sở Y tế Vĩnh Long đã tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về hồi sức hô hấp bệnh nhân COVID-19 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các y bác sĩ, điều dưỡng được chuyên gia hồi sức hô hấp bệnh viện tuyến trên hỗ trợ thêm các kiến thức về phân độ nặng suy hô hấp, cung cấp oxy; chỉ định trang thiết bị, lắp đặt và sử dụng máy HFNC; các yêu cầu về máy thở và cài đặt máy thở ban đầu cho bệnh nhân COVID-19. Hướng dẫn thao tác đo áp lực bình nguyên, độ giãn nở, điều chỉnh tình trạng ứ CO2, tình trạng giảm oxy máu, thủ thuật huy động phế nang và thông khí nằm sấp.