Lý do Bộ Công an muốn quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe thay Bộ GTVT

Cục CSGT (Bộ Công an) đánh giá hiện nay, sau khi được cấp GPLX, người lái xe gần như không bị ai quản lý và cũng không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ nêu rõ các dự thảo về phương án quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Dự thảo 1, Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên phạm vi điều chỉnh trên cơ sở kế thừa Luật GTĐB hiện hành. Trong đó, Bộ GTVT tiếp tục được quản lý công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Dự thảo 2, Bộ GTVT đề xuất Luật GTĐB là luật chung điều chỉnh tất cả chính sách liên quan đến lĩnh vực GTĐB. Các nội dung liên quan đến bảo đảm TTATGTĐB sẽ được chi tiết, cụ thể hóa tại Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

Theo đó, nếu chọn dự thảo 2, việc đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái sẽ được dẫn chiếu sang Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Như vậy, Bộ Công an sẽ thay Bộ GTVT là cơ quản lý nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Trước đó, Bộ Công an cũng đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của bộ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông để lấy ý kiến người dân.

Dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công an cũng nhấn mạnh trong quá trình xây dựng luật, bộ đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga, Đức… Qua đó cho thấy các nước đều có luật chuyên biệt về trật tự, ATGT (quy định về quy tắc giao thông, quản lý phương tiện, người điều khiển tham gia giao thông, xử lý vi phạm...), tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ...

Theo thống kê của Cục CSGT, tình trạng vi phạm TTATGT đang diễn ra ngày càng phức tạp. Tính riêng trong năm 2019, hơn 70% các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải. Và trong các vụ TNGT, có rất nhiều vụ nguyên nhân xuất phát do công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Qua khảo sát thực tế, Cục CSGT đánh giá thực tế hiện nay cho thấy sau khi được cấp GPLX, người lái xe gần như không bị ai quản lý. Không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các ngành, các đơn vị còn lỏng lẻo trong công tác cấp và cấp lại GPLX khiến hàng trăm ngàn GPLX bị tạm giữ, tước quyền sử dụng không có người đến nhận. 

Không ít trường hợp đang bị CSGT tạm giữ GPLX vẫn được cấp lại GPLX khác, có người còn sở hữu tới 2-3 GPLX. Trên thực tế đã xuất hiện tình trạng tài xế có tiền sử tâm thần, đang bị truy nã, thậm chí đang thi hành án nhưng vẫn được cấp, đổi GPLX.

Đại tá Nguyễn Văn Trung cũng cho biết, trước năm 1995 ngành công an đã phụ trách và hiện nay vẫn đang tổ chức sát hạch GPLX cho lực lượng CAND nên đã có kinh nghiệm. Cơ sở vật chất là các sân sát hạch của trường công an, của Cục CSGT sẽ được tận dụng. Cùng với đó, sát hạch viên sẽ là cán bộ công an, hiện ngành công an đã triển khai lực lượng tới bốn cấp, do vậy về cơ bản không làm tăng biên chế mà chỉ cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn.