Ngoạn mục cuộc Telehealth cứu nam sinh ở Hà Giang bị đâm thấu ngực ngay tại bệnh viện tuyến huyện

Nam bệnh nhân 16 tuổi ở Hà Giang bị vết thương thấu ngực đã được cứu thành công. Đây là ca bệnh phức tạp nên BV ĐHYHN đưa vào tình trạng báo động đỏ để học tập, giảng dạy.

Nam bệnh nhân là Phạn Văn D (16 tuổi, quê ở xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) nhập viện ngày 17/9 do bị người khác dùng dao đâm trước khi nhập viện 30 phút.

Theo Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quang, tiền sử bệnh nhân hoàn toàn khoẻ mạnh. Sau khi bị đâm thì bệnh nhân vẫn tỉnh, không nôn nhưng vùng ngực trái ở khoang liên sườn 3 và 4 đường nách trước có vết thương khoảng 3x2cm, chếch lên trên có phì phò máu – khí qua vết thương.

Căn cứ vào sự khác nhau giữa các vết thương, tiên lượng cũng như phương pháp xử trí, tại buổi hội chẩn, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV ĐHYHN đã đặt ra câu hỏi lớn dành cho các đầu cầu là dựa vào hình ảnh từ phía BVĐK khu vực Bắc Quang cung cấp có thể đưa ra nhận định vết thương này có chạm vào tim hay chỉ chạm vào phổi?.

Theo TS.BS Vũ Ngọc Tú, căn cứ vào vị trí thì có thể loại trừ được 70 – 80% vết thương tim. Có một vị trí đặc biệt là ngực vết thương ngực hở thì chúng ta nghĩ ngay đến vết thương tim, đó là vết thương nằm ở vùng tam giác tim – là vùng nối giữa hõm thượng đòn mũi kiếm xương ức và núm vú bên trái.

Ngoài ra, nếu có thêm hội chứng chèn ép tim cấp như là bệnh nhân tím tái, tĩnh mạch cổ nổi thì càng chắc chắn đó là vết thương tim.

Tuy nhiên, với các dấu hiệu như BVĐK khu vực Bắc Quang mô tả như: Phì phò máu khí, vị trí vết thương theo trục dọc, đường nách trước tại khoang liên sườn 3,4, phim chụp Xquang cho thấy tim không to, không tràn dịch màng tim… thì có thể khẳng định trường hợp này không có vết thương tim. Đây là vết thương ngực hở đơn thuần. Vết thương đâm chéo và chếch lên trên và sượt qua tim.

Bệnh nhân có tràn dịch màng phổi với số lượng khá nhiều và tràn khí mức độ ít. Bệnh nhân được dẫn lưu nhưng sau dẫn lưu thì tràn khí nhiều hơn và xuất hiện tình trạng xẹp phổi nhiều hơn, kèm đông đặc.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải – Trưởng khoa Cấp cứu & HSTC (BVĐHYHN) cho rằng: "Trường hợp này có thể dùng mẹo là sử dụng băng gạc được quấn túi nilong 3 phía để khi bệnh nhân thở ta thì khí ra, mà hít vào thì khí không vào".

Mặc dù TS.BS Vũ Ngọc Tú cho rằng, trường hợp này xứng đáng đưa vào báo động đỏ trong BVĐK khu vực Bắc Quang là nên thành lập đơn vị báo động đỏ để đưa bệnh nhân này vào quy trình báo động đỏ điển hình, với sự tham gia điều tiết của bác sĩ cấp cứu hồi sức và các bác sĩ khác sẽ tham gia hỗ trợ rất nhanh.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội lại cho rằng: "Trường hợp này, BVĐK khu vực Bắc Quang đã đưa vào báo động đỏ không chỉ cho toàn huyện mà, tôi cũng báo động đỏ cho toàn Bệnh viện Đại học Y Hà Nội".

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: "Trường hợp này các đơn vị liên quan phải tiếp tục theo dõi. Riêng tôi sẽ liên hệ với BV Đa khoa Hùng Vương để tiếp tục theo dõi cũng như đảm bảo cho bệnh nhân được ra viện an toàn".