Những cái chết đáng tiếc từ thói quen thức khuya cộng sử dụng điện thoại cực nguy hại

Mới đây một bà mẹ 27 tuổi đột tử vì thức khuya chơi điện thoại. Thói quen thức khuya chơi điện thoại rất nhiều người hiện vẫn đang làm, nhất là giới trẻ.

Đột tử vì thức khuya chơi điện thoại

Mới đây, theo báo giới Trung Quốc, một bà mẹ hai con 27 tuổi phát hiện đã chết vào buổi sáng sau khi chơi điện thoại di động qua đêm. Theo lời của gia đình, khi gọi cô dậy ăn sáng thì đã thấy cô bất động. Đến gần, thấy cô đang cầm một chiếc điện thoại di động trên tay, màn hình vẫn sáng và đang ở trang mua sắm nhưng cơ thể đã lạnh ngắt.

Sau khi khám nghiệm tử thi, bác sỹ xác định nguyên nhân cái chết của cô là mệt mỏi quá mức, cộng thêm việc do dùng điện thoại di động vào ban đêm, thiếu ngủ trầm trọng đã dẫn đến ngừng tim đột ngột. Được biết, cô có hai con nhỏ thường phải chăm chúng từ sáng đến tối, ít có thời gian nghỉ ngơi. Khi các con ngủ, cô mới có thời gian riêng. Khi đó, cô thường lên mạng xem phim, mua quần áo... cho đến 3, 4 giờ sáng nên ngủ rất ít. 

Đây không phải là trường hợp duy nhất mà sử dụng điện thoại đêm đã cướp đi sinh mạng của không ít người. Cũng tại nước này trước đó có trường hợp đột tử vì thức khuya chơi điện thoại. Một giáo viên 35 tuổi đột nhiên bị ngừng tim đột ngột trong lớp học và tử vong do thường xuyên thức khuya làm việc trên máy tính, điện thoại.

Sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ trong ánh sáng yếu rất nguy hại sức khỏe. Ảnh minh họa

Hay như trường hợp nam thanh niên 23 tuổi thường có thói quen tụ tập bạn bè chơi game đến sáng. Cộng với việc ăn ngủ thất thường suốt thời gian dài, nam thanh niên này trong một lần đang chơi game tại nhà đột nhiên cảm thấy đau nhói ở ngực và sau đó ngã quỵ, ngất đi. Khi mọi người phát hiện ra, anh đang nằm dưới đất. Dù đưa đi cấp cứu nhưng anh đã không qua khỏi.

Thói quen sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ là tình trạng gặp phải ở nhiều người. Không ít người dính điện thoại tới mức ngay cả khi đi ngủ tay vẫn cầm điện thoại. Nhiều bạn trẻ bị cuốn vào nó đến tận khuya, thức đến 1- 2 giờ sáng và thậm chí thâu đêm online, tán gẫu, chơi game… rất phổ biến hiện nay. Đa phần mọi người cho rằng điều này là vô hại, nhưng thực tế thì không phải vậy?.

Theo BS BSCKII La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TƯ, giấc ngủ đủ rất quan trọng với cơ thể con người để thải độc, cung cấp dinh dưỡng và phục hồi khả năng học tập, làm việc, sinh hoạt sau mỗi ngày. Với người trẻ, cần đảm bảo ít nhất 6 tiếng/ ngày thời gian ngủ, người già nên ngủ đảm bảo ít nhất 4 tiếng/ngày.

Việc duy trì thói quen thức khuya sẽ tàn phá cơ thể nhanh chóng, gây tác hại rất lớn đến sức khỏe toàn thân như suy nhược thần kinh, lão hóa nhanh, giảm trí nhớ, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, từ đó có thể dẫn đến nhồi máu não và có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Nguy hại sức khỏe hơn khi thức khuya + điện thoại

Theo các chuyên gia, thức khuya đã rất có hại cho sức khỏe, nhưng nếu kết hợp với việc sử dụng điện thoại quá lâu trước khi ngủ càng ảnh hưởng sức khỏe nhiều hơn.

Một số tác hại khi sử dụng điện thoại ban đêm phải kể đến như:

- Hại mắt: Vào ban đêm, ánh sáng màu xanh từ điện thoại di động phát ra rất sắc nét. Ánh sáng này không chỉ ảnh hưởng đến mắt khiến thị lực giảm sút mà còn ảnh hưởng đến sự sản xuất hormone melatonin giúp con người ngủ ngon. Từ đó dễ gây mất ngủ triền miên và nhiều hệ lụy cho sức khỏe khác.

- Mắc bệnh lý thần kinh: Thường xuyên sử dụng điện thoại di động vào ban đêm trước khi đi ngủ có thể mắc bệnh trầm cảm. Nguyên nhân do tia bức xạ từ điện thoại kích thích căng thẳng thần kinh não làm con người luôn có cảm giác hồi hộp, lo âu. Đồng thời, trí nhớ của bạn cũng bị giảm sút.

- Đột quỵ, tim mạch: Nhiều nghiên cứu đã đưa ra, người thường xuyên ngủ ít hơn 6 tiếng/ đêm có nguy cơ cao đột quỵ hơn 4,5 lần so với những người có giấc ngủ 7 – 8 giờ. Việc thức quá muộn làm thay đổi nhịp sinh học thức – ngủ, có nguy cơ cao hơn mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng như béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường…

Để tránh nguy hại sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần thay đổi thói quen sử dụng điện thoại trước khi ngủ, tránh dùng trong điều kiện ánh sáng yếu. Nếu thích ôm điện thoại trước khi ngủ cũng đừng vượt quá 1 giờ. Đặc biệt, với trẻ em càng không cho dùng điện thoại trước khi ngủ hoặc lấy điện thoại dỗ trẻ đi ngủ để trẻ tập trung vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.