Phạt tới 200 triệu đồng, hàng xách tay có bị khai tử ?

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành mới đây, việc buôn bán hàng xách tay có thể bị xử phạt đến 200 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm, giá trị hàng hóa.

Nghị định 98 nêu rõ các mức phạt dành cho các cá nhân, tổ chức có hành vi nhập lậu, buôn bán hàng hóa nhập lậu với mức phạt từ 1 triệu đến 100 triệu đồng.

 Trao đổi với PV, chị Thanh Thảo, một chủ đầu mối hàng xách tay cho biết: "Đây đang là thời điểm vàng để chạy hàng xách tay. Dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các nước Châu Âu. Để kích cầu, hàng hóa được sale, ưu đãi, tặng kèm rất nhiều nên có giá cả cạnh tranh cao, thu hút khách hàng trong nước. Đặc biệt, quần áo, mỹ phẩm, các thực phẩm đóng hộp,…là những sản phẩm được ưu chuộng hàng đầu". Gần như, các tiểu thương buôn hàng online trên nền tảng này vẫn thờ ơ, không chú ý đến nghị định mới này.

Không phải chờ đến Nghị định 98 mà trước đây, Facebook và các thương hiệu nổi tiếng cũng đã nhiều lần "can thiệp" với các mặt hàng xách tay này như giảm tương tác, không nhận quảng cáo. Tuy nhiên, để có thể tồn tại, nhiều chủ tài khoản đã lựa chọn hình thức tinh vi hơn. Ví dụ, nhãn hiệu YSL sẽ được đổi tên thành Y.S.L, Mango sẽ được Việt hóa thành Man gồ,…Không chỉ vậy, các ký tự được ngăn chặn tự động như sale, free sẽ được đổi thành sa.le, F.ree,…gây khó khăn trong kiểm soát.

Không chỉ với quần áo, thực phẩm mà trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh,… được coi là những loại hàng xách tay có rủi ro cao với người sử dụng khi không kiểm soát được nơi sản xuất cũng như những chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm. Đối với hành vi này, cá nhân tổ chức có thể bị phạt tới 200 triệu đồng.

Xử phạt hành chính là một trong những biện pháp thiết yếu để ngăn chặn việc lợi dụng "hàng xách tay" để buôn hàng lậu, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, việc đa phần hàng hóa xách tay hiện nay đều được bán trên các trang mạng xã hội với quy mô đa dạng, hình thức tinh vi, người dân vẫn băn khoăn về tính khả thi, hiệu quả của Nghị định này. 

Đồng thời, để có thể khai tử thực sự hình thức này, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý, chấn chỉnh tận gốc.