Phút cam go của các chuyên gia hội chẩn từ xa cho người đàn ông ở Yên Bái

Trong buổi hội chẩn từ xa cho bệnh nhân 60 tuổi ở Yên Bái, các chuyên gia đầu ngành tại điểm cầu Hà Nội đã đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái phải tìm bằng được nguyên nhân khuẩn E.coli xâm nhiễm. Đồng thời, kiểm soát đường máu, nhiễm trùng đường phổi

Hội chẩn từ xa cho ca bệnh phức tạp

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, bệnh nhân H (60 tuổi, trú tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) nhập viện ngày 5/9 do sốt lơ mơ, đại diểu tiện không tự chủ, kèm nôn nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm màng não mủ do khuẩn E.coli, viêm phổi nặng trên nền đái tháo đường type II, tăng huyết áp.

Đây là trường hợp phức tạp bởi bệnh nhân nhập viện với bệnh lý nền nặng có sẵn. Vì vậy, bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái) bằng thông khí nhân tạo xâm nhập, lọc máu liên tục kèm kháng sinh, thở máy.

Tại buổi hội chẩn trực tuyến với các điểm cầu, TS Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Điện quang (Bệnh viện Bạch Mai) đã bổ sung một số thông tin về xương và xoang qua chẩn đoán hình ảnh từ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Qua đó, đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái khai thác thêm viêm tai xương chũm bên phải mãn tính và vấn đề co giãn hệ thống não thất, vì các triệu chứng của bệnh nhân phù hợp với bệnh lý viêm màng não tuỷ.

Đồng tình với ý kiến trên, TS.BS Nguyễn Quang Bẩy, Trưởng khoa Nội tiết- đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) đề nghị cân nhắc mặt lợi - hại trước khi dùng corticoid, kể cả bệnh nhân viêm màng não mủ nặng và có chỉ định dùng.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho rằng, dù khuẩn E.coli trong cơ thể của nam bệnh nhân "nhạy" với tất cả các loại kháng sinh nhưng việc làm đầu tiên là tìm nguyên nhân dẫn đến viêm màng não mủ và điều trị triệt để theo căn nguyên.

GS.TS Nguyễn Gia Bình đánh giá, trường hợp bệnh nhân 60 tuổi bị viêm màng não mủ do khuẩn E.coli rất phức tạp, có nguy cơ tiến triển theo chiều hướng tiêu cực nếu như không có những xử lý kịp thời.

GS.TS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh: "Chúng ta đang nghĩ đến bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết do E.coli, màng não chỉ là một nơi mà E.coli tới trú ngụ. Vì vậy, bằng mọi giá phải tìm đường đi của E.coli lên màng não. Có thể tìm từ đường thận tiết niệu, đến tiêu hoá, làm siêu âm bụng, đường mật, siêu âm tim… Đặc biệt có một đường đi mà chúng ta chưa nói tới, đó là răng của bệnh nhân này như thế nào. Đối với bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi thì răng chính là cửa ngõ xâm nhâp của E.coli mà chúng ta không để ý. Vì vậy, ngoài việc quan tâm đến khuẩn E.coli trong não tuỷ, cấy đờm, bù dịch, cân bằng kiểm soát đường máu thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cần quan tâm đến yếu tố nhiễm trùng đường phổi liên quan đến thở máy, chú ý tăng áp lực thẩm thấu, rối loạn nhịp thở kết hợp với chăm sóc dự phòng huyết khối, dinh dưỡng…".

GS.TS Nguyễn Gia Bình lưu ý thêm, khi bệnh nhân ổn định thì cần phải đánh giá thêm các biến chứng của đái tháo đường, đánh giá kỹ và điều trị đúng đắn mới hỗ trợ cho viêm màng não ổn, qua đó mới đảm bảo vấn đề cải thiện ý thức của bệnh nhân.

Hiệu quả của Đề án Khám chữa bệnh từ xa

Cụ thể, bệnh nhân nữ 36 tuổi, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu chẩn đoán rau thai 8 tháng bong non lần 3 sau mổ cắt tử cung bán phần do đờ tử cung. Một bệnh nhân 35 tuổi được chẩn đoán viêm não, viêm màng não, viêm đa dễ dây thần kinh ngoại biên và suy thận, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Bệnh nhân nam 41 tuổi được chẩn đoán viêm da mủ, hội chứng Sweet đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc (Quảng Nam). Một bệnh nhi 4 tuổi ở Chiêm Hoá (Tuyên Quang) bị tràn dịch màng phổi, viêm phổi.

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là buổi hội chẩn trực tuyến thứ hai kể từ khi khai trương Trung tâm Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa. GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ứng dụng khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) trong công tác tư vấn, khám, chữa bệnh không chỉ giúp tiết kiệm thời gian cho người dân, bác sĩ mà còn giúp các bác sĩ có thể dễ dàng trao đổi, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, đây là bước khởi đầu, là tiền đề cho hoạt động tư vấn, hỗ trợ tiếp theo trong chuỗi hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của đơn vị, nhằm hướng đến mục tiêu: "Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân".