Qua Telehealth, bác sĩ Phụ sản Hà Nội hội chẩn cứu cô gái dân tộc Dao ở Bắc Kạn mắc bệnh hiếm gặp

Tại buổi hội chẩn qua Telehealth, phương án được đưa ra với bệnh nhân D là cần hút buồng tử cung để giải phẫu bệnh, từ đó mới có kết luận chính xác xem có đúng là thai trứng không và thai trứng phát triển ở mức độ nào...

Tại bệnh viện, bệnh nhân được tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả thăm khám âm hộ, âm đạo cho thấy, bệnh nhân bị ra ít huyết màu đỏ sẫm. Cổ tử cung đóng kín, thân tử cung to bằng thai khoảng 2 tháng; 2 phần phụ bình thường. Cùng đồ mềm mại. Bệnh nhân được làm xét nghiệm thử thai và cho kết quả dương tính.

Khi siêu âm, các bác sĩ nhận thấy, bệnh nhân bụng mềm, không chướng, không có sẹo mổ, u cục. Ấn hạ vị đau tức.

Khai thác tiền sử cho thấy, bệnh nhân chưa lập gia đình và chưa có con. Hơn 1 năm trước, bệnh nhân có kết quả sinh thiết chửa trứng hoàn toàn và đã được nạo chửa trứng vào tháng 6/2019.

Tuy nhiên, do bệnh nhân trẻ tuổi, chưa có chồng, chưa có con, chưa rõ chửa trứng cũ hay mới, hơn nữa, nếu chửa trứng có biến chứng ác tính, bệnh nhân sẽ có hướng điều trị tiếp theo như thế nào nên các bác sĩ tại đây đã quyết định đưa ca bệnh ra xin ý kiến hội chẩn tại buổi khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Trước các ý kiến trên, tại đầu cầu Hà Nội, TS.BS Lê Thị Anh Đào - Trưởng Khoa Phụ ngoại (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, với các kết quả xét nghiệm đã được làm, để xác định chính xác bệnh của bệnh nhân này khá khó vì bệnh nhân không được theo dõi sau hút thai trứng lần đầu.

Theo BS Anh Đào, ở trường hợp này, việc sót thai trứng ở lần hút thai trước là tương đối hiếm, ít xảy ra. Bởi lẽ, nếu hút sót thai sẽ đi kèm với tình trạng rong kinh, rong huyết liên tục. Cùng với đó là xảy ra tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, ở bệnh nhân này không có các triệu chứng trên, do vậy, BS Đào nhận định việc chửa trứng cũ tái phát ở bệnh nhân này gần như rất ít. 

Tuy nhiên, trước câu hỏi thai trứng cũ có bị tái phát hay không, BS Anh Đào cho biết, cũng như các bệnh lý khác, thai trứng tái phát là có gặp nhưng tỷ lệ không nhiều, khoảng 1,8%. Tức là, khoảng 60 người chửa trứng sẽ có 1 người có nguy cơ bị tái phát ở lần có thai tiếp theo.

Với trường hợp bệnh nhân D, theo Trưởng Khoa Phụ ngoại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các kết quả siêu âm cho thấy, đây không phải là thai phát triển tốt trong buồng tử cung. Do đó, phương án đưa ra với bệnh nhân D là cần hút buồng tử cung để giải phẫu bệnh. Từ đó mới có kết luận chính xác xem có đúng là thai trứng không và thai trứng phát triển ở mức độ nào, có nguy cơ ác tính hay không.

Nói thêm về các trường hợp phụ nữ bị thai trứng có biến chứng ác tính thành ung thư nguyên bào nuôi, BS Anh Đào cho biết, trước đây, những bệnh nhân như vậy sẽ phải cắt tử cung để điều trị hóa chất.

Nhưng với bệnh nhân trẻ tuổi, chưa chồng con, các bác sĩ sẽ tính đến phương pháp điều trị để bảo tồn cơ quan sinh sản cho người bệnh để người bệnh có khả năng mang thai và làm mẹ về sau.

Từ trường hợp này, TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội lưu ý, các bệnh nhân sau hút thai trứng phải quay lại khám, quản lý ở những cơ sở y tế có kinh nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất trường hợp u nguyên bào nuôi sau thai trứng.

Ở trường hợp bệnh nhân này, do không được quản lý nên khó phát hiện chính xác nguyên nhân mà phải làm giải phẫu bệnh. Từ đó, các bác sĩ sẽ có đánh giá bệnh nhân có nguy cơ thấp hay cao với u nguyên bào nuôi để có phương án điều trị hợp lý nhất cho người bệnh.