Quốc hội chưa quyết chuyển quyền sát hạch giấy phép lái xe về Bộ Công an

Do còn nhiều ý kiến khác nhau về việc bộ nào sẽ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp đổi, thu hồi giấy phép lái xe (GPLX) nên Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ.

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 48, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhiều lần nhắc lại "phải cân nhắc kỹ" việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật riêng biệt. Ông đặt vấn đề, nếu tách, sửa Luật Giao thông đường bộ thì sau này có tiếp tục sửa các luật về giao thông đường sắt, đường thủy, đường hàng không hay không?

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, giao thông đường bộ là một thể thống nhất của các yếu tố, bao gồm giao thông động và giao thông tĩnh. Việc sát hạch, cấp GPLX tại nhiều quốc gia cũng không giao cho cơ quan công an, cảnh sát quản lý. Về quy hoạch giao thông, bên cạnh việc Chính phủ thống nhất quản lý thì trách nhiệm chính phải thuộc về Bộ GTVT.

Nhận định phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ vẫn có trùng lặp, song ông Lưu nhấn mạnh trách nhiệm chính trong quản lý Nhà nước về phương tiện giao thông phải là Bộ GTVT.

"Đề nghị các cơ quan Chính phủ rà soát kỹ phạm vi của từng luật. Những phạm vi nào thuộc quản lý Nhà nước của bộ nào đã có thực tiễn thì đảm bảo quản lý ổn định, tránh xáo trộn", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Giải trình thêm nội dung này, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ Công an sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung rõ hơn về lĩnh vực, trách nhiệm, hạn chế giao thoa giữa Luật Giao thông đường bộ và Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, quan điểm của Bộ Công an là xã hội hóa việc đào tạo, có quy định để các cơ sở đào tạo, sát hạch hoạt động, tức là sát hạch ở đâu cũng được, còn Bộ Công an sẽ tổ chức và đưa ra các tiêu chí để đảm bảo.

"Bản chất của vấn đề là xác định bộ nào quản lý nội dung này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung này liên quan đến công tác quản lý nhà nước, Chính phủ chịu trách nhiệm chính trong tổ chức điều hành, phân công nhiệm vụ. Việc giao cơ quan quản lý phải có thẩm định, đánh giá kỹ, nhất là vấn đề liên quan tổ chức bộ máy, chi phí, nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước. Đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ thêm và Quốc hội sẽ xem xét quyết định", ông Đỗ Bá Tỵ kết luận.