Sắp lễ cúng ông Táo như thế nào cho đúng?

Còn hơn 2 tuần nữa là đến ngày cúng ông Táo, việc sắp lễ cúng ông Táo như thế nào cho đúng, ý nghĩa và trang nghiêm nhất là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều gia đình. Đặc biệt là những gia đình vợ chồng trẻ.

Theo quan niệm dân gian, Táo quân chỉ chung ba vị thần ở bếp để định đoạt phước đức, “phù trợ” cho gia đình nhiều điều may mắn trong năm mới. Vì thế, vào dịp cuối năm, để Táo quân về Trời báo cáo với Ngọc Hoàng chuyện hạ giới được đủ đầy, mỗi gia đình đều chuẩn bị lễ cúng ông Táo chu đáo và đẹp mắt.

Mâm cỗ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp cần đầy đủ, đẹp mắt.

Những lễ vật không thể thiếu trong mâm lễ cúng ông Táo: 3 con cá chép sống, 3 bộ trang phục bằng hàng mã (mũ, hài, quần áo...), hoa tươi, gạo, muối, trầu cau.

Riêng về trang phục (bằng hàng mã) để cúng ông Công, ông Táo thì gồm mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ dành cho đàn ông và một mũ dành cho đàn bà).

Mũ dành cho hai ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ dành cho Táo bà thì không có cánh chuồn.

Tùy từng vùng, miền sẽ có những cách sắp xếp mâm cỗ cúng ông Táo khác nhau:

Người miền Bắc thường bày mâm cúng bằng một số món ăn truyền thống như: Gà luộc, miến xào, xào thập cẩm, canh măng móng giò, nem rán, xôi đỗ xanh, xôi gấc, bánh chưng, giò lụa, tôm chiên, rau luộc, nộm.

Theo phong tục phía Bắc, sau khi cúng xong, gia chủ nên mang cá chép (đã thắp hương) đến giếng nước, ao hồ để thả phóng sinh. Tuyệt đối không nên thả kèm túi bóng.

Mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở miền Trung cũng giống như các nơi ở chỗ có gà luộc, hành muối, bánh chưng, nem chả... Nhưng ở đây cũng có những tục lệ riêng. Nếu như ở miền Bắc, mọi người có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo từ ngày 20 tháng Chạp đến 12h trưa 23 tháng Chạp âm lịch, thì ở miền Trung chỉ có một ngày là 23 tháng Chạp âm lịch.

Mâm cỗ cúng ở miền Nam, người dân thường chỉ sử dụng 1 chiếc mũ có cánh chuồn để tượng trưng kèm theo áo và đôi hia giấy. Những món ăn cúng kèm có thể là: Bánh tét, các món xào, chè kho, ấm trà sen, trái cây theo mùa, canh khổ qua, chả giò, rau xào, gỏi cuốn.

Những đồ vàng mã (mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ, sau đó, gia chủ lập bài vị mới cho Táo Công.

Giống như ở miền Bắc, sau khi lễ cúng ông Táo được thực hiện xong, gia chủ thường mang cá chép ra sông, hồ để thả.

Lưu ý: Cúng ông Táo phải đặt trong bếp, khi cúng phải bật bếp lên cho cháy rực, mâm cỗ đề huề, cả nhà quanh năm no ấm. Có người thì vừa đặt một mâm cúng trong bếp và thêm một mâm khác cúng trên bàn thờ.