Sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng vui như "đỗ đại học lần 2"

Từ 15/11/2020, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để trang trải chi phí sinh hoạt và học tập trong suốt thời gian học đại học. Biết được thông tin, nhiều phụ huynh, sinh viên mừng rỡ, phấn khởi dù chưa có thông báo chính thức từ các đơ

Sinh viên đã được hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định tốt nghiệp sẽ phải hoàn lại kinh phí hỗ trợ. Trường hợp chuyển sang ngành đào tạo khác, bỏ học, không hoàn thành chương trình cũng phải bồi hoàn.

Em Vũ Thị Mai (SN 2000, sinh viên khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: "Em rất háo hức khi nhận được thông tin sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Tin này chắc bố mẹ em sẽ vui nhất vì đỡ vất vả hơn. Sinh viên các khóa như bọn em đã được miễn hoc phí đã là một niềm vui lớn rồi, giờ được nhận thêm học phí thì như "đậu đại học lần 2". Dù chưa biết mình có thuộc diện được nhận trợ cấp hay không nhưng em đã lên kế hoạch cho việc đi mua sách và tiết kiệm tiền để học một khóa học ngoại ngữ".

Để có thể trang trải chi phí học tập, đặc biệt là những ngành cần đầu tư chi phí học tập cao như Ngoại ngữ, Tin học, Sinh học thì việc có chi phí hỗ trợ thực sự mang ý nghĩa lớn với sinh viên. Nguyễn Phương Anh (sinh viên năm 2, chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh) chia sẻ: "Mấy ngày nay, em luôn trong tâm trạng háo hức. Nếu được hỗ trợ chi phí học tập thì thực sự giá trị với bọn em. Với những sinh viên ngoại tỉnh thì tiền trọ, tiền chi phí sinh hoạt chiếm một khoản khá lớn nên để có đủ chi phí hầu hết bọn em đều phải đi làm thêm. Mà làm thêm thì không phải khi nào cũng đúng ngành. Khi được hỗ trợ, bọn em sẽ không phải đi làm thêm nữa, giảm áp lực, tập trung học tập hơn".

Những ngày qua, trong các giảng đường của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sinh viên không chỉ vui mừng mà còn băn khoăn về vấn đề bồi hoàn tiền hỗ trợ. Nhiều thắc mắc được đặt ra như có sự khác biệt nào khi công tác tại cơ sở công lập hay tư thục, sinh viên tiếp tục học lên hoặc học ngành thứ hai.

Không chỉ vậy, dư luận xã hội vẫn còn đặt nhiều trăn trở về vấn đề tính hiệu quả cũng và công bằng của quy định này trong bối cảnh nhiều ngành học khác đang áp dụng quy định tăng học phí đơn cử như sinh viên y khoa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá, điều rõ thấy của quy định này là thay đổi được góc nhìn, thái độ "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" khi giáo viên vẫn là chủ thể chính của mọi hoạt động đào tạo.