Sốt xuất huyết tăng liên tục, gần chạm ngưỡng cảnh báo dịch

Cục Y tế Dự phòng cảnh báo, trong 3 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam đã từng bước kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm. Năm 2020, các bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, bệnh sốt rét giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. 

Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết vẫn có số mắc cao, tăng cục bộ tại một số địa phương; ghi nhận nhiều ca bệnh bạch hầu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Trung, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng có hiệu quả, nhưng còn có hạn chế cần được giải quyết.

Dù vậy, Cục Y tế Dự phòng cảnh báo, trong 3 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch. Số ca mắc tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố như: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hoà, Bình Thuận, Kon Tum, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, TPHCM và Hà Nội.

Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết trong năm nay, ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, không có sự bất thường về diễn biến dịch, tuýp lưu hành chủ yếu vẫn là D1, D2 (chiếm 90%).

Ngoài ra, tỷ lệ nhóm tuổi mắc sốt xuất huyết không có khác biệt so với các năm trước. Người mắc bệnh ở khu vực miền Bắc, Tây Nguyên, miền Trung chủ yếu là người lớn (trên 15 tuổi); tại khu vực miền Nam, tỷ lệ người bệnh ở nhóm trên 15 tuổi đang có xu hướng tăng dần.

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, tính từ đầu năm tới nay, 10 địa phương có số ca mắc cao nhất bao gồm: TPHCM, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre, Quảng Bình, Tiền Giang và Hà Nội. Trong đó, TPHCM dẫn đầu với 13.322 trường hợp, Hà Nội đứng thứ 10 với 1.993 ca mắc.

Dự báo trong cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh dịch lưu hành trong nước có nguy cơ bùng phát thành dịch do thời tiết mùa đông xuân rất thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. 

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, PGS.TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh bạch hầu. 

Tại Quyết định 3593/QĐ-BYT ngày 18/8/2020 của Bộ Y tế đã xác định định nghĩa, tiêu chuẩn chẩn đoán các trường hợp bệnh bạch hầu nghi ngờ, trường hợp bệnh xác định để có các biện pháp xử lý, phòng chống thích hợp. Lưu ý về định nghĩa các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhận bạch hầu trong thời kỳ mắc bệnh (người bệnh và người lành mang trùng) để áp dụng các biện pháp phòng bệnh, xử lý ổ dịch nghiêm ngặt. 

Bệnh bạch hầu đã có vaccine phòng bệnh, tiêm phòng bệnh bạch hầu đúng lịch là biện pháp quan trọng, đặc hiệu để phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên cần lựa chọn đúng vaccine bạch hầu về liều lượng và thời điểm tiêm chủng. Đồng thời, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, bệnh nhân, ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc gần, xử lý ổ dịch, điều trị ca bệnh và điều trị dự phòng để hạn chế tối đa lây nhiễm. Biện pháp sử dụng kháng sinh dự phòng có tác dụng quyết định, nhằm loại trừ nguồn lây trong cộng đồng (bệnh nhân và người lành mang trùng) rất hiệu quả.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo, đối với công tác tiêm chủng đề nghị ngay sau Hội nghị này, Sở Y tế báo cáo UBND xây dựng và triển khai tiêm chủng đầy đủ, an toàn theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại 4 kế hoạch tiêm chủng vaccine.