Tăng mức xử phạt đến 200 triệu, hàng xách tay vẫn “nhan nhản”

Mặc dù quy định xử phạt cho hoạt động kinh doanh hàng xách tay, hàng không rõ nguồn gốc tăng đến 200 triệu đồng, có hiệu lực từ ngày 15/10 nhưng qua hơn 1 tháng Nghị định 98/2020 có hiệu lực, tình trạng trên vẫn diễn ra.

Nghị định 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10. Theo đó, quy định tăng mức xử phạt đối với hoạt động kinh doanh hàng xách tay, hàng hoá không rõ nguồn gốc, không có hoá đơn chứng từ… lên đến 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, hơn 40 ngày kể từ khi quy định có hiệu lực, hoạt động kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra.

Điểm bán mỹ phẩm Mint Cosmetics ở ngõ 72 Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) bày bán nhiều sản phẩm mỹ phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ nước ngoài mà không có tem nhãn phụ. Một nữ nhân viên tại đây cho biết, cửa hàng bán chủ yếu là mỹ phẩm nhập khẩu và xách tay. Hàng xách tay sẽ có giá thấp hơn một chút do không phải đóng các khoản thuế, phí khi đưa vào nội địa.

Một điểm bán mỹ phẩm Mint Cosmetics tại phố Vạn Bảo (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng tương tự. Theo quan sát của PV, có đến 2/3 số hàng hoá được trưng bày tại điểm bán này đều thiếu tem nhãn phụ thể hiện thông tin sản phẩm bằng tiếng Việt.

Một nữ nhân viên tại điểm bán mỹ phẩm Mint Cosmetics ở ngõ 215 Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Giá bán của hàng nhập khẩu với hàng xách tay không chênh lệch nhiều. Chỉ khác là hàng nhập khẩu có tem nhãn phụ thể hiện đơn vị nhập khẩu, còn hàng xách tay thì không có tem nhãn phụ thể hiện bằng tiếng Việt".

Nữ nhân viên này còn lưu ý rằng, không phải hàng hoá nào được dán nhãn phụ về thông tin sản phẩm cũng là hàng nhập khẩu. Đôi khi sẽ có những trường hợp ngoại lệ để "qua mặt" cơ quan chức năng.

Tại điểm bán mỹ phẩm mang tên PinkHouse tại phố Chùa Bộc (Đống Đa), nhân viên bán hàng cho biết: "Hàng bên em chủ yếu là xách tay, nên chị cứ yên tâm sử dụng".

Tình trạng kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ bằng vỏ bọc hàng xách tay không chỉ diễn ra tại các điểm bán có địa chỉ và tên cửa hàng rõ ràng, mà ở môi trường mạng, đặc biệt là mạng xã hội, tình trạng này cũng rầm rộ không kém. Trong một nhóm có tên "Hội buôn hàng xách tay châu Âu (Anh, Đức, Ba Lan, Pháp, Nga…)" với khoảng 50.000 thành viên, các mặt hàng từ mỹ phẩm đến thực phẩm chức năng, hàng gia dụng… đều được rao bán công khai. Chủ tài khoản Facebook có tên H.C cho biết: "Các cửa hàng mỹ phẩm có địa điểm bán thì có thể có sẵn hàng hoá xách tay nhưng với người bán hàng online (không có điểm bán hàng cụ thể) thì hàng xách tay chủ yếu là do khách order (đặt - PV) trước. Khi hàng về thì người bán bắt đầu gửi bưu phẩm hoặc nếu cự li gần thì có thể trực tiếp đến nơi ở khách hàng để trả hàng".

Cũng theo H.C, do có người thân ở nước ngoài hỗ trợ nhập hàng nên đầu nhánh tại Việt Nam hoàn toàn tự tin tuyển cộng tác viên phân phối với số lượng lớn, chiết khấu cao.

Giải pháp lâu bền vẫn là yếu tố con người?

Ngày 14/11, lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai đã chủ trì, khám và phát hiện một xe ôtô vận chuyển 3 loại hàng hoá có nguồn gốc sản xuất ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, bao gồm thuốc mỡ chữa bệnh á sừng, tất nữ và giày vải các loại. Trong đó, 800 tuýp thuốc mỡ chữa bệnh á sừng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa và được lái xe khai nhận là mua của những người không quen biết ở khu vực cửa khẩu để bán kiếm lời.

Tương tự, ngày 16/11, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã xử lý hàng ngàn sản phẩm hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tại cửa hàng mỹ phẩm Ngọc Linh (số 010, TTTM Móng Cái Plaza, TP Móng Cái).

Mặc dù lực lượng chức năng ở các tỉnh vùng biên giới khá chặt chẽ trong việc kiểm tra, nhưng tình trạng kinh doanh hàng xách tay, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra công khai, rầm rộ. Lý giải hiện tượng này, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, tăng mức phạt là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ răn đe.

Ông Phú cho biết: "Với mức phạt hiện hành, "dân buôn" xác định đó chỉ là một phần lợi nhuận họ thu được thông qua hoạt động kinh doanh hàng hoá không rõ xuất xứ, hàng hóa xách tay. Nhất là trên thị trường mạng, rất khó kiểm soát. Trong khi đó, nếu là doanh nghiệp thì vấn đề họ quan tâm nhất là bị rút giấy phép kinh doanh hoặc những mức xử phạt với lỗi hoạt động kinh doanh gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, giải pháp trước mắt là phải gắn trách nhiệm kiểm soát với chính quyền địa phương. Nếu để xảy ra tình trạng như luật quy định thì trước hết, địa phương phải chịu trách nhiệm. Thứ hai, là đội ngũ công an địa phương và QLTT phải làm nghiêm, mà muốn làm nghiêm thì đạo đức công vụ phải nâng lên, phải trong sạch theo đúng tinh thần của Thông tư số 18/2019/TT-BCT ngày 30/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Thứ ba, với chế tài chưa đủ mạnh như hiện nay thì cần phải thêm mức phạt là rút đăng ký kinh doanh với mức vi phạm nghiêm trọng. Với những vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì cần phải có mức phạt chịu trách nhiệm hình sự".

Ông Phú nhấn mạnh: "Giải pháp lâu dài là cần tiếp tục chỉnh sửa luật và các quy định về vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại. Bởi hiện nay, việc phát hiện, xử phạt chỉ là phần ngọn của vấn đề nên việc chỉnh sửa luật để người kinh doanh không dám vi phạm pháp luật mới là quan trọng. Cuối cùng là xây dựng đội ngũ kiểm soát thị trường, có sự phối hợp với các đơn vị liên quan, trong đó có lực lượng phối hợp cấp xã, phường… tinh thông, cần mẫn, phải trong sạch, vững mạnh. Và yếu tố con người là yếu tố chính, là yếu tố lâu bền để giải quyết dứt điểm tình trạng trên".