Tăng nguy cơ loãng xương ở người dùng insulin trị đái tháo đường

Theo dữ liệu nghiên cứu mới, bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ loãng xương cao hơn khi sử dụng insulin so với metformin...

Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn của thế kỷ 21, đặc biệt là bệnh đái tháo đường type 2 (T2D).

Đái tháo đường và các biến chứng mãn tính của nó là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật với những chi phí lớn cho cá nhân và xã hội.

Dễ gãy xương là một biến chứng thường "bị bỏ quên" của bệnh tiểu đường.

Mặt khác, gãy xương do loãng xương, cũng là một nguyên nhân quan trọng khác gây ra bệnh tật và tử vong sớm trên toàn thế giới, với ước tính khoảng 190.000 ca tử vong hàng năm. 

Trong những năm qua, người ta đã chấp nhận rộng rãi rằng bệnh đái tháo đường (cả type 1 và type 2) đều có tác động quan trọng đến quá trình chuyển hóa xương, với tình trạng dễ gãy xương là một biến chứng thường "bị bỏ quên" của bệnh. Ngoài ra, các loại thuốc điều trị đái tháo đường khác nhau cũng ảnh hưởng đến nguy cơ loãng xương ở người bệnh. 

Metformin, một trong những thuốc điều trị đái tháo đường type 2 được sử dụng đầu tiên (ra mắt năm 1957), vẫn là nền tảng của liệu pháp điều trị, đang được các hướng dẫn quốc tế khuyến nghị do hiệu quả mạnh mẽ, nguy cơ hạ đường huyết thấp, tác dụng tích cực về cân nặng và các lợi ích tim mạch.

Còn insulin là loại thuốc điều trị đái tháo đường lâu đời và vẫn là loại thuốc hiệu quả nhất với hiệu lực hạ đường huyết. Đồng thời, insulin là một hormone đồng hóa mạnh, có ảnh hưởng quan trọng đến sự trao đổi chất của xương.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nội tiết Mỹ mới đây, ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, nguy cơ loãng xương tăng lên khi điều trị insulin so với sử dụng metformin.

Tác giả của nghiên cứu, TS. Sung Hye Kong, Đại học Y khoa Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, và các đồng nghiệp đã kiểm tra nguy cơ gãy xương do loãng xương và gãy xương hông trong số 6.694 bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên mắc bệnh đái tháo đường type 2 đang sử dụng thuốc trị đái tháo đường. 

Các nhà nghiên cứu đã so sánh nguy cơ gãy xương của bệnh nhân trong từng loại thuốc. Thời gian theo dõi trung bình là 3,6 năm.

Tỷ lệ chung của các ca gãy xương do loãng xương là 8,36 trên 1.000 người/năm và 1,53 trên 1.000 ngườ/năm đối với gãy xương hông. 

Sau khi điều chỉnh tuổi, giới tính, chỉ số khối cơ thể BMI, bệnh đi kèm và thuốc bao gồm thuốc chống loãng xương, nguy cơ gãy do loãng xương tăng gấp 2 và gãy xương hông tăng gấp 5 lần ở những bệnh nhân được kê đơn insulin so với những bệnh nhân được kê đơn metformin. 

Phân tích theo các phân nhóm cho thấy nguy cơ gia tăng đáng kể ở nhóm chỉ dùng insulin đối với những người có HbA1c (một chỉ số xét nghiệm ở người đái tháo đường) dưới 7% và những người có BMI dưới 25. 

Vì vậy, TS. Kong lưu ý: "Trong thực hành lâm sàng, cần chú ý đến những bệnh nhân sử dụng insulin vì nguy cơ gãy xương có thể tăng lên so với những người chỉ dùng metformin và cần phải đánh giá nguy cơ gãy xương chủ động, đặc biệt là ở những bệnh nhân này".