Telehealth khác gì với hệ thống Telemedicine mà Việt Nam đã áp dụng từ lâu?

Nếu Telemedicine là hội chẩn 1-1, thì Telehealth là 1-n, nhiều bệnh viện, nhiều bác sĩ cùng được nghe, học, hội chẩn...

Ngày 24/9, tại buổi gặp mặt báo chí Lễ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa, trả lời câu hỏi của PV về điểm khác biệt giữa Telehealth và Telemedicine - hệ thống hội chẩn trực tuyến Việt Nam đã áp dụng từ lâu, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay sự khác biệt đầu tiên nằm ngay trong tên gọi. 

Theo đó, Telemedicine - hội chẩn trực tuyến - còn Telehealth là y tế từ xa. Nếu telemedicine là hội chẩn 1-1, tức là bác sĩ 1 bệnh viện tuyến trên hội chẩn với bác sĩ 1 bệnh viện tuyến dưới, người thụ hưởng đầu tiên là bác sĩ tuyến dưới đó, ngoài ra là bệnh nhân. 

Còn với y tế từ xa thì nhiều bệnh viện, nhiều bác sĩ cùng được học, được đào tạo ngay trong một lần hội chẩn, số lượng người nghe, người học nhiều hơn.

"Telehealth có giá trị giáo dục lớn. Các ca bệnh Telehealth sẽ được sử dụng để trở thành là những bài giảng lâm sàng dùng để dạy cho các bác sĩ ra trường hay sinh viên y khoa", Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay.

Đến giai đoạn 2, Telehealth còn bộc lộ sự khác biệt nhiều so với Telemedicine đó là những phòng khám từ xa, giúp bác sĩ ngồi ở thành thị như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng ... có thể chữa bệnh cho mọi người dân ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, Telehealth có thể giúp khám bệnh trong gia đình. Khi bác sĩ không thể đến tận nhà thì những điều dưỡng, kỹ thuật viên có thể đến tận nhà người dân, dùng những phương tiện hiện đại (như máy tính bảng mà Bệnh viện đã trang bị cho bác sĩ) để khám cho bệnh nhân; có thể nói chuyện với bác sĩ, dùng phương tiện như điện tim ghi từ xa mà hệ thống máy siêu âm có thể ghi tiếng tim, phát wifi về để bác sĩ ở bệnh viện có thể nghe được; hoặc có thể có máy siêu âm xách tay với đầu dò bé, hình ảnh siêu âm có thể gửi về cho điện thoại thông minh để bác sĩ chẩn đoán.