Thoát vị hoành: Nguyên nhân, sinh lý bệnh và những điều cần biết

Thoát vị hoành là tình trạng dạ dày trượt lên qua lỗ cơ hoành khiến một phần của dạ dày bất thường nhô ra vào trong khoang lồng ngực. Việc chưa xác định được nguyên nhân khiến cho việc chẩn đoán vô cùng khó khăn.

Theo VTV News, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện phẫu thuật, điều trị thành công cho một bé gái sơ sinh bị thoát vị hoành trái nghẹt kèm theo viêm phổi nặng do nhiễm RSV.

Đó là bé N.T.T (trú tại Việt Trì, Phú Thọ) chào đời ngày 22/10. Sau sinh trẻ khóc to, bú tốt, không phát hiện bất thường, cân nặng đạt 2,1kg. Đến khi được 23 ngày tuổi, trẻ xuất hiện triệu chứng khò khè, khó thở nên được gia đình đưa đi khám.

Thời điểm vào viện, bé khó thở nhiều, rút lõm toàn bộ các cơ hô hấp, môi tím, SpO2 đo được chỉ còn 82%. Trẻ được các bác sĩ Khoa Sơ sinh cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy, làm các xét nghiệm cấp cứu và tiến hành hội chẩn ngay với các bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi.

Qua phim chụp X-quang, bác sĩ phát hiện có hình ảnh thoát vị hoành trái, các tạng thoát vị chiếm toàn bộ khoang màng phổi, không còn nhìn thấy hình ảnh nhu mô phổi trái, tim và trung thất bị đẩy lệch sang phải chèn ép một phần nhu mô phổi phải, đồng thời xét nghiệm RSV cho kết quả dương tính. Bác sĩ chẩn đoán bé bị thoát vị hoành trái nghẹt, suy hô hấp viêm phổi nặng do virus hợp bào hô hấp (RSV).

Bé T được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp sau khi nhập viện chỉ khoảng 30 phút, khi huyết động và hô hấp của bé đã ổn định hơn.

Phim chụp X-quang sau phẫu thuật thoát vị hoành ở trẻ.

Chia sẻ về trường hợp trên, ThS.BS Nguyễn Đức Lân - Trưởng Khoa Ngoại Nhi tổng hợp cho biết, đây là một trường hợp thoát vị cơ hoành điển hình và rất nguy hiểm. Khi các phẫu thuật viên vào ổ bụng thấy gần như toàn bộ ruột non, manh tràng, đại tràng phải và một phần đại tràng ngang thoát vị lên khoang màng phổi trái qua lỗ thoát vị cơ hoành sau bên, kích thước lỗ thoát vị khoảng 3,5 x 1,2 cm.

Bé T được các bác sĩ phẫu thuật đưa ruột trở lại ổ bụng. Sau 1h30 phút ca phẫu thuật thành công, bé T được chuyển về theo dõi và điều trị tiếp tại đơn vị hồi sức sơ sinh. Qua 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bé T đã ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

ThS.BS Nguyễn Đức Lân cho biết thêm, đối với các trường hợp có thoát vị hoành, nếu không được phẫu thuật kịp thời, các tạng thoát vị sẽ chèn ép vào phổi gây ảnh hưởng đến huyết động và thông khí ở phổi dẫn đến suy hô hấp. Ngoài ra, khi các tạng nằm trên khoang màng phổi có nguy cơ bị nghẹt, gây tắc ruột, thậm chí có thể hoại tử gây nhiễm trùng nhiễm độc, ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhi.

Sau phẫu thuật, bé được chăm sóc, điều trị tích cực tại Khoa Sơ sinh. Ảnh: VTV News

1. Thoát vị hoành là gì?

Thoát vị hoành là tình trạng dạ dày trượt lên qua lỗ cơ hoành khiến một phần của dạ dày bất thường nhô ra vào trong khoang lồng ngực. Thoát vị hoành là một bệnh lý thường xuyên xảy ra ở trẻ nhỏ.

Thoát vị hoành có thể gặp với dạng dị tật duy nhất nhưng cũng có thể xuất hiện cùng với các dị tật khác như dị tật ở tim, gan, phổi thận. Việc chưa xác định được nguyên nhân khiến cho việc chẩn đoán vô cùng khó khăn.

2. Sinh lý bệnh thoát vị hoành

Trong thoát vị hoành dạng trượt (loại phổ biến nhất), điểm nối dạ dày thực quản và một phần dạ dày nằm ở phía trên cơ hoành. Trong thoát vị hoành dạng cạnh thực quản, điểm nối dạ dày thực quản nằm ở vị trí bình thường, nhưng một phần dạ dày nằm sát với thực quản trong lỗ thực quản. Thoát vị cũng có thể xảy ra ở các phần khác của cơ hoành. 

Hình ảnh thoát vị hoành.

3. Nguyên nhân gây thoát vị hoành

Nguyên nhân thường không xác định, nhưng thoát vị hoành được cho là do sự kéo giãn của lớp mô liên kết giữa thực quản và cơ hoành ở lỗ thực quản (lỗ thông của thực quản đi qua cơ hoành).

Nguy cơ cao mắc bệnh thoát vị hoành

- Người béo phì.
- Phụ nữ mang thai.
- Ho dai dẳng.
- Mắc bệnh táo bón mạn tính.
- Chấn thương bụng.
- Tuổi tác: thường gặp ở người trên 50 tuổi.

4. Đối tượng có nguy cơ bị thoát vị hoành

Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc thoát vị hoành. Tuy nhiên những người ở độ tuổi trên 50 và phụ nữ thừa cân dễ mắc bệnh hơn.

5. Triệu chứng bệnh thoát vị hoành

Với trẻ em khi được sinh ra, các triệu chứng thoát vị hoành có triệu chứng:

Trẻ xuất hiện dấu hiệu suy hô hấp sớm, thở gắng sức, khó thở, tím tái sau khi sinh.

Bụng trẻ bất thường do phần lớn ống tiêu hóa lên trên ngực.

Khi khám trẻ phát hiện những bất thường như tim lệch phải, nghe phổi có nhiều tiếng bất thường.

Các triệu chứng thoát vị hoành ở người lớn:

Những dấu hiệu ban đầu có thể liên quan đến trào ngược dạ dày bao gồm ợ nóng, ợ chua, khó nuốt, đầy hơi, ợ hơi, hoặc đau, khó chịu ở dạ dày hay thực quản.

Một số người bị thoát vị hoành có thể bị đau ngực và dễ dàng bị nhầm lẫn với một cơn đau tim.

Đôi lúc bệnh nhân có kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc nôn, bí đại tiện hoặc trung tiện thì có thể đó là một thoát vị nghẹt hay tắc nghẽn.

Thoát vị hoành ở người lớn. Ảnh: Vinmec

6. Biện pháp chẩn đoán bệnh thoát vị hoành

Chụp Xquang, siêu âm, chụp cắt lớp giúp phát hiện các tạng trong ổ bụng đi lên lồng ngực, khí quản và phổi bị chèn ép. Ngoài ra còn giúp xác định vị trí thoát vị và kích thước lỗ thoát vị.

Khám lâm sàng, nghe tim phổi bệnh nhân phát hiện tim trẻ lệch phải, khí đi vào phổi trái kém hơn phổi phải. Trẻ khóc bé, khó thở nhẹ hoặc nặng, bụng trẻ phẳng bất thường do ống tiêu hóa lên ngực.

Một số trường hợp thoát vị hoành biểu hiện muộn ở trẻ có biểu hiện viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần. Nhiều trường hợp trẻ không có biểu hiện và chỉ được phát hiện khi đi khám bệnh định kỳ.

7. Các biện pháp điều trị bệnh thoát vị hoành 

Điều trị thoát vị hoành ở trẻ em

Đặt nội khí quản, giãn cơ, thở máy giúp cải thiện các vấn đề hô hấp của trẻ. Không hỗ trợ hô hấp bằng bóp bóng qua mặt nạ làm cho tình trạng của trẻ ngày càng xấu đi do khí hô hấp tràn vào các tạng như dạ dày, ruột gây chèn ép phổi làm cho bệnh tình trẻ ngày càng nặng hơn.

Đặt Catheter hỗ trợ điều trị và theo dõi tình trạng của trẻ.

Phẫu thuật: Sau khi ổn định, trẻ sẽ được phẫu thuật đưa toàn bộ các tạng nằm sai chỗ về vị trí ban đầu đồng thời đóng lỗ hở cơ hoành lại. Việc phẫu thuật chỉ được thực hiện khi tình trạng của trẻ đã tiến triển và phải có đầy đủ các phương tiện hồi sức cấp cứu.

Sau khi phẫu thuật, trẻ tiếp tục được chăm sóc tích cực, duy trì thở máy cho đến khi tình trạng của trẻ ổn định.

Điều trị thoát vị hoành ở người lớn

Đối với thoát vị hoành xảy ra sau chấn thương, bệnh nhân rơi vào suy hô hấp cấp nguy kịch tính mạng thì thường phải được phẫu thuật khẩn cấp. Phẫu thuật viên sẽ sắp xếp lại các cơ quan từ lồng ngực và đặt trở vào ổ bụng. Sau đó, sửa chữa cơ hoành sẽ được thực hiện kế tiếp.

Đối với các trường hợp thoát vị hoành sau chấn thương nhưng mức độ không quá nặng nề, bệnh nhân sẽ được ưu tiên ổn định các vấn đề khác trước như hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, kiểm soát chảy máu,... trước khi phẫu thuật sửa chữa cơ hoành.

Trường hợp bệnh nhân đi khám vì khó thở và chẩn đoán thoát vị hoành, nếu khối thoát vị không có nguy cơ kẹt lại thì sẽ được sắp xếp phẫu thuật theo chương trình. Nếu khối thoát vị có miệng hẹp, nguy cơ hẹp rất cao, cần phẫu thuật sớm. Nếu khối thoát vị hoành đã kẹt, có dấu hiệu hoại tử ruột, bệnh nhân cũng có chỉ định can thiệp khẩn, tránh để khối thoát vị vỡ ra, nguy cơ nhiễm trùng trung thất và cả phúc mạc rất cao.

8. Biện pháp ngăn ngừa thoát vị hoành

Hiện không có cách nào để phòng ngừa thoát vị hoành. Để hạn chế mắc thoát vị hoành, trong cuộc sống mọi người cần tránh va đập mạnh, chấn thương.

Khi phát hiện có dấu hiệu của bệnh thoát vị hoành, cần đến các cơ sở y tế thăm khám để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.