Thủ tướng: Nghiên cứu, đề xuất khả năng dịch vụ xét nghiệm theo yêu cầu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất khả năng thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo nhu cầu. Ngoài ra, tiến độ sản xuất vaccine phòng COVID-19 phải được đẩy nhanh.

Tại thời điểm diễn ra cuộc họp, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, ngày 25/7 đến nay, cả nước đã ghi nhận 451 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (đến tối nay là 465 ca), trong đó 46 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 405 trường hợp lây nhiễm trong nước (tối nay là 419) tại 15 tỉnh, thành phố. Hầu hết những ca lây nhiễm trong nước đều có yếu tố liên quan Đà Nẵng.

Trong 17 bệnh nhân tử vong có độ tuổi dao động từ 33 đến 86 (có 11 người trên 60 tuổi). Các trường hợp tử vong đều có bệnh lý nền nặng như suy thận mạn (12), tăng huyết áp (8), đái tháo đường (8), tim mạch (7) và ung thư (3). Bộ Y tế cũng bày tỏ lo ngại Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp tử vong trong nhóm các bệnh nhân này thời gian tới.

Bên cạnh đó, phần lớn người dương tính không có triệu chứng mắc bệnh (khoảng 40%) nên việc phát hiện tại cơ sở y tế là rất khó. Theo Bộ Y tế, dù đợt dịch này đã từng bước được kiểm soát và hạn chế khả năng lây lan rộng ra cộng đồng, thời gian tới, ca mắc bệnh rải rác có thể tiếp tục xuất hiện từ các trường hợp dương tính chưa được phát hiện trong cộng đồng.

Quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm COVID-19

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay trong thời gian qua, chúng ta đã bình tĩnh, căn cơ, cương quyết với các giải pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, nên cơ bản đã xử lý có kết quả tình hình dịch bệnh vừa qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn trực tiếp cho nhân viên y tế ở tất cả cơ sở y tế, nên có một quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm COVID-19. 

"Không để bệnh nhân đi lang thang hết bệnh viện này đến bệnh viện khác hoặc kéo dài ở một bệnh viện", Thủ tướng nhấn mạnh. Các trường hợp ho, sốt, viêm hô hấp thì phải kiểm tra ngay để xử lý, đặc biệt quan tâm đến nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch, bệnh lý mãn tính khác…

Cùng đó, Bộ Y tế cần tiếp tục phát huy việc điều phối hiệu quả và đặc biệt hỗ trợ kịp thời các phương tiện, năng lực xét nghiệm và vật tư, nhân lực, chuyên môn cho địa phương. Thủ tướng đề nghị ngành y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc, vaccine, hoàn thiện phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân…

Từ kinh nghiệm Quảng Nam, Đà Nẵng, Thủ tướng đề nghị các địa phương thành lập các tổ tuyên truyền và giám sát cộng đồng để đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà các đối tượng nghi ngờ, báo y tế kiểm tra, đặc biệt, cần triển khai mạnh ở các địa phương có ca nhiễm.

Trong thời điểm hiện nay, các bệnh viện phải xây dựng kịch bản và chuẩn bị cơ sở vật chất, con người để ứng phó tại chỗ với dịch bệnh, tránh di chuyển bệnh nhân nhiều.

Cũng theo Thủ tướng, nhân dịp này, Bộ Y tế cũng nghiên cứu, đề xuất khả năng thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo nhu cầu.

Không thể đóng cửa mọi hoạt động

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ từng địa phương nên suy nghĩ về một chiến lược chống dịch bệnh hiệu quả, cả về kinh tế và đặc biệt là y tế.

Thủ tướng nhấn mạnh không chủ quan, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch bệnh, không thể coi thường tính mạng của người dân nhưng chúng ta cũng không thể đóng cửa mọi hoạt động.

"Việc đóng cửa nghiêm ngặt ở quy mô quá rộng, không chỉ tê liệt mọi hoạt động kinh tế xã hội mà tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của người dân", Thủ tướng nói và cho rằng đây là bài toán vô cùng khó trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Thủ tướng nhắc lại việc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, đề cao cảnh giác nhưng không để ảnh hưởng quá lớn đến sản xuất kinh doanh, đời sống người dân. Tăng cường kiểm tra, rà soát các biện pháp phòng dịch, nhất là những phương pháp thế giới đã rút ra như đeo khẩu trang, rửa tay…