Toàn cảnh nhà máy 'biến' rác thành điện lớn nhất Việt Nam đi vào hoạt động

Nhà máy điện rác Sóc Sơn, nhà máy phát điện đốt rác lớn nhất Việt Nam đã chính thức hòa lưới điện quốc gia với công suất phát điện từ việc đốt rác của giai đoạn 1 là 15 MW từ ngày 25/7/2022.

 Được khởi công từ tháng 8/2019, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, huyện Sóc Sơn được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư trên diện tích khoảng 17,51ha.

 

 Do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã nhiều lần hoãn tiến độ. Đến ngày 25/7, nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất Việt Nam tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã chính thức hòa lưới điện quốc gia, vận hành giai đoạn 1.

 

 Nhà máy điện rác Sóc Sơn có công suất xử lý rác lớn thứ 2 thế giới, đứng sau một nhà máy tại Thượng Hải (Trung Quốc).

 

 Hệ thống 5 lò đốt với 3 tổ máy phát, được triển khai theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 có một lò đốt và một tổ máy vận hành với công suất xử lý đốt rác là 1.000 tấn/ngày đêm. Giai đoạn 2 và giai đoạn 3 tiếp tục có thêm 4 lò đốt và hai tổ máy phát điện, dự kiến vận hành trong năm nay.

 

 Trước khi vào nhà máy, tất cả xe chở rác đều phải đi qua trạm cân tải trọng, đủ điều kiện mới được đi vào khu vực bể chứa rác.

 

 Ngay cửa vào khu A là các cửa nhỏ của bể chứa rác có độ sâu khoảng hơn 40 m. Theo đó, tất cả rác được chở đến sẽ đổ vào bể chứa.

 

 Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt ghi cơ học (ghi di động) kiểu Waterleau của Bỉ, đáp ứng nhu cầu về xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay của thành phố Hà Nội.

 

 Rác được ủ tại bể chứa khoảng 5 đến 7 ngày để lên men và giảm độ ẩm.

 

 Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Đỗ Tiến Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Cơ khí Hà Nội - đơn vị vận hành Nhà máy Điện rác Sóc Sơn cho biết, công nghệ xử lý rác là lò đốt ghi cơ học và thu hồi năng lượng để phát điện. Sau khi được xe vận chuyển về, rác được đổ vào bể chứa 5-7 ngày để lên men, giảm độ ẩm, sau đó sẽ được đưa vào các ống phễu của lò đốt, sinh nhiệt năng. Nhiệt năng này được thu hồi để phát điện.

 

 Tại Việt Nam, công nghệ đốt rác để thu hồi năng lượng vẫn mới nhưng đã phát triển trên thế giới. Rác vào nhà máy là rác không phân loại, tất cả đều được cho vào lò đốt. "Sau khi ra xỉ rác đáy lò thì chúng tôi bắt đầu tiến hành thu gom, phân loại và tách phần kim loại trong xỉ ra để tái chế riêng. Những phần xỉ còn lại sẽ được làm vật liệu xây dựng như sản xuất gạch không nung, vật liệu lót đường…", vị này chia sẻ thêm.

 

 
 
 Các lò đốt rác được giám sát qua màn hình tại phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Sau khi hoàn tất 3 giai đoạn, dự kiến, nhà máy sẽ xử lý đốt rác với khối lượng 4.000 tấn/ngày đêm, tương đương gần 5.500 tấn rác ướt.

 

 Theo kế hoạch, đến tháng 10/2022, nhà máy sẽ hoạt động ổn định cả 5 lò đốt rác với công suất 4.000 tấn rác một ngày đêm.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.500 tấn rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Theo các chuyên gia, mỗi năm, số rác thải của thành phố tăng thêm khoảng 5%. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại.

Thành phố hiện có 3 khu vực xử lý rác chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây) và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (Nam Từ Liêm). Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu được thu gom, mang đi chôn lấp hoặc đốt, không phát điện.