Tranh luận “nóng” tại Quốc hội vấn đề quản lý đào tạo, sát hạch lái xe

Góp ý vào vấn đề chuyển đổi đào tạo, sát hạch lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, một số Đại biểu Quốc hội cho rằng, cái gì xã hội làm được thì nên giao cho xã hội. Không nên cái gì cũng quan trọng hóa lên rồi phải chuyển cơ quan quản lý.

Có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật?

Ngày 11/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Trong đó, Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ do Bộ Công an chủ trì được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ do Bộ GTVT chủ trì. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu thảo luận là có nên tách thành 2 luật hay không.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nêu ý kiến: "Quá trình soạn thảo, Chính phủ đã giao Bộ Công an và Bộ GTVT thống nhất các nội dung, Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến nhất trí. Chúng tôi thấy việc ban hành luật là cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATGT hiện nay".

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng cần thiết phải ban hành luật này, nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 18 của Bộ Chính trị, Kết luận số 45 của Ban Bí thư về rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự ATGT phù hợp với tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, ATGT.

Trong khi đó, Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội không đồng tình với việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật. "Tách thành 2 luật là không ổn tí nào. Cần giữ nguyên như hiện nay và rà soát, bổ sung để tăng cường nâng cao những gì làm được; cái gì đang vướng thì sửa cho tốt hơn", Đại biểu Sinh nhấn mạnh.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, tai nạn giao thông đường bộ rất nhiều, chiếm 95% tổng số vụ nên cần phải có Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ. "Nguyên nhân nào thì phải giải pháp đó. Nguyên nhân là con người thì phải tìm giải pháp là con người như nâng cao ý thức nhận thức. Nguyên nhân là con người mà tại sao lại tìm giải pháp là tách riêng luật, rồi sau đó chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước về một số vấn đề?", bà Hoa lập luận.

Trước nhiều ý kiến tranh luận, Đại biểu Đào Việt Trung (Nam Định), Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cho biết, khi chưa có quyết định cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có lẽ Quốc hội nên có hình thức lấy ý kiến của các Đại biểu về việc có đồng ý hay không đồng ý tách 2 dự thảo luật, sau đó mới bàn về nội dung; nếu không sau này lại bảo thôi, không tách nữa, nhập lại… sẽ lãng phí thời gian, vật chất.

Ai quản lý đào tạo, sát hạch, đổi giấy phép lái xe?

Một nội dung khác được các Đại biểu cho nhiều ý kiến là có nên chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang cho Bộ Công an.

Đại biểu Trần Ngọc Khánh (đoàn Khánh Hòa) cho biết, cả nước hiện nay có 340 cơ sở đào tạo cấp bằng lái xe. Hầu hết, cơ sở này đã được xã hội hóa, sống bằng tiền của người học bằng lái xe. Do vậy, theo ông Khánh, nếu để Bộ GTVT hay chuyển sang Bộ Công an thì vẫn là tư nhân làm nhiệm vụ đào tạo, cấp chứng chỉ cho người học lái xe.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nêu quan điểm: "Việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe từ năm 1995 đã giao cho Bộ GTVT quản lý. Ngay trong báo cáo của Chính phủ không nêu lên vấn đề bất cập của việc chuyển cho Bộ GTVT. Như vậy là đang làm tốt, vậy tại sao giờ lại chuyển cho Bộ Công an? Còn chuyện bằng giả là vấn đề khác. Chưa kể giờ chuyển cho Bộ Công an thì hơn 2.000 cán bộ làm công tác sát hạch và cơ sở vật chất sẽ đi đâu? Không cẩn thận sẽ lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất do đó cần tính toán thêm".

"Ngay Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X có ghi một số nhiệm vụ của Quốc phòng, Công an nếu đủ điều kiện dân sự hóa thì nên chuyển cho Bộ khác quản lý để Quốc phòng, Công an tập trung xây dựng lực lượng Quốc phòng, Công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nếu Bộ GTVT đang làm tốt thì cứ để Bộ GTVT", ông Quyền nhấn mạnh.