Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công làm thiếu thuốc và vật tư y tế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏ

Tại phiên thảo luận ở tổ sáng 25/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% trong cả nhiệm kỳ, trong đó quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 đạt như mức Quốc hội đề xuất (cộng với phần gói kích thích kinh tế, ít nhất 2%). Như vậy, mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2022 là 8,5%.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là thách thức rất lớn, chính vì vậy đề nghị các ĐBQH hiến kế cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên. Vấn đề mà Quốc hội, Chính phủ quan tâm là việc chi ngân sách rất khó khăn. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp, đầu tư công năm 2021 chỉ được hơn 70%, ODA giải ngân chỉ hơn 32%...

Chủ tịch Quốc hội nêu thêm, trong lĩnh phòng, chống dịch, mua thuốc dù có ngân sách nhưng lại không dám mua. Riêng lĩnh vực phòng chống dịch COVID-19, Quốc hội và Chính phủ đã có nghị quyết cho phép mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt. Tuy nhiên vấn đề này lại xuất hiện hai trạng thái khi một số nơi không dám mua, có nơi mua thì sai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

"Không hiểu lý do vì sao, giờ thuốc thông thường cũng thiếu, vậy phải làm rõ xem vướng cái gì", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công. Gói kích thích kinh tế đã tập trung đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế… nhưng đến nay tiến độ giải ngân, phân bổ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân; gây ảnh hưởng đến công tác giáo dục, đào tạo.

Khái quát lại, Chủ tịch Quốc hội cho biết thể chế không vướng, trong mua sắm thì đã ban hành cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt, cho cả chỉ định thầu trong xây lắp là hết cỡ rồi, không còn gì mà mở nữa, mở hết sạch rồi vậy mà sao tiền vẫn không tiêu được.

Đối với việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội nêu nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian. Do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoảng, Nghị quyết 42 của Quốc hội Khóa XIV về bản chất cũng là một luật như vậy, khác hoàn toàn với cơ chế thông thường, với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan.