Vụ lợn nhiễm sán ở Bắc Ninh: Mất mẫu kiểm nghiệm trách nhiệm thuộc về ai?

Luật sư khẳng định: Xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với công ty có hành vi không lưu trữ thông tin hoặc lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Mấy ngày qua đã có khoảng 1.000 trẻ mầm non ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) được đưa xuống Hà Nội xét nghiệm trước thông tin thịt lợn nhiễm sán xảy ra tại trường mầm non Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Được biết, Công ty Hương Thành là đơn vị cung cấp thịt lợn cho Trường mầm non Thanh Khương, đồng thời, công ty còn cung cấp thực phẩm cho 19 trường mầm non khác trên địa bàn huyện Thuận Thành.

Sau sự việc Trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) bị nghi dùng thực phẩm thiếu đảm bảo an toàn làm thức ăn cho trẻ thì Công ty Hương Thành đã âm thầm gỡ biển hiệu.

Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 19/3, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Lê Thanh Phong cho biết: "Mẫu thịt nổi hạch xuất hiện trong bếp ăn của Trường Mầm non Thanh Khương hôm 14/2 và 20/2 không còn lưu, không có mẫu xét nghiệm nên không thể khẳng định việc vi phạm an toàn thực phẩm là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em dương tính với sán lợn.

Theo quy định của Bộ Y tế về bếp ăn tập thể, các món ăn trong ngày dành cho từ 30 người trở lên phải lưu mẫu ít nhất 24 giờ. Sau 24 giờ lưu mẫu mà không nghi ngờ ngộ độc thực phẩm hoặc không có yêu cầu của cơ quan quản lý thì bếp ăn có thể hủy mẫu lưu.

Tuy nhiên, thời điểm công an Bắc Ninh xác minh nghi vấn thực phẩm kém chất lượng ở bếp ăn trường Thanh Khương là đầu tháng 3, trong khi mẫu thịt nổi hạch, nghi có sán được phát hiện ngày 14 và 20/2. 

Nghi ngờ thịt lợn có sán phụ huynh từ Bắc Ninh đưa con lên Hà Nội xét nghiệm.

Nhận định trên Báo Giao thông, luật sư Trịnh Anh Dũng - Văn phòng Luật sư Trịnh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định: "Việc không lưu mẫu để xét nghiệm đã vi phạm Điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật An toàn thực phẩm năm 2010"

Luật này quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm, bao gồm: Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nhãn thực phẩm và các tài liệu liên quan đến an toàn thực phẩm; lưu giữ hồ sơ về thực phẩm; thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định”.

Theo luật sư Trịnh Anh Dũng, Điều 26 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định: Xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi không lưu trữ thông tin hoặc lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Viện dẫn Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định 115/2018/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP), luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm an toàn vệ sinh có thể bị xử phạt là 100 triệu đồng, còn với tổ chức là 200 triệu đồng.

Liên quan đến hoạt động này, Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (tội Vi phạm qui định về ATTP) quy định: Người nào chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm… thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.