Vụ tái chế hơn 300.000 bao cao su đã qua sử dụng: Hậu quả nguy hiểm ra sao? Cách nào để nhận biết bao cao su "rởm"?

Theo các chuyên gia, việc sử dụng phải bao cao su trôi nổi, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được tái chế lại hoàn toàn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đối với người dùng.

Theo đó, khi tiến hành kiểm tra khu nhà trọ tại tổ 4, Đường DX12, khu phố Hóa Nhựt, phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, Cục Quản lý thị trường Bình Dương đã phát hiện 360kg, tương đương 300.000 chiếc bao cao su đã qua sử dụng đang được gia công thành bao cao su mới.

Người trực tiếp thực hiện công việc trên là Phạm Thị Thanh Ngọc (33 tuổi, quê Nghệ An) khai nhận, trung bình mỗi tháng một lần sẽ nhận bao cao su đã qua sử dụng từ một người không rõ địa chỉ để súc rửa, phơi khô, phân loại và dùng dương vật giả để vuốt lại, tạo hình như mới và giao hàng đã gia công cùng ngày với nhận hàng gia công lô hàng khác.

Sự việc này một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại đối với các các sản phẩm bao cao su tránh thai được bày bán tràn lan trên thị trường. Thực tế, trước đó, các cơ quan chức năng đã từng phát hiện nhiều trường hợp sản xuất bao cao su giả, bao cao su kém chất lượng từ các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các chuyên gia nhận định, việc sử dụng phải những sản phẩm bao cao su "rởm", bao cao su được tái chế tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại đối với sức khỏe người dùng.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung - Phụ trách Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) cho biết: Trước hết phải khẳng định, việc tái chế bao cao su đã qua sử dụng là điều không thể chấp nhận được. Người dùng hoàn toàn có nguy cơ gặp phải những tác hại không mong muốn từ những chiếc bao cao su tái chế này.

"Bao cao su chỉ được khuyến cáo dùng một lần để đem lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, ở những chiếc bao cao su tái chế này, không ai kiểm định, chúng có bị hư hỏng, thủng, rách hay không. Như thế, rõ ràng là có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn hay nói cách khác là thất bại trong việc sử dụng bao cao su để phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: HIV, giang mai, lậu, sùi mào gà…", BS Kim Dung nhấn mạnh.

Không những thế, khi tái chế bao cao su, người gia công có thể sẽ dùng các loại gel bôi trơn không đảm bảo, không rõ nguồn gốc với giá thành rẻ để tiết kiệm chi phí. Việc này cũng gây nguy cơ người dùng bị dị ứng với chất bôi trơn, thậm chí là gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục. Chưa kể, việc súc rửa, tái chế thủ công không đảm bảo vô trùng cũng được xem là một nguồn lây nhiễm bệnh.

Thực tế, tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế sản phụ khoa, nam khoa, các bác sĩ đã tiếp nhận không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sưng tấy, ngứa ngáy vùng kín, nặng hơn là mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục do sử dụng phải các loại bao cao su giả, kém chất lượng mua trên thị trường.

Cách nhận diện bao cao su "rởm"

Để nhận diện bao cao su thật hay giả, dấu hiệu đầu tiên cần chú ý là tên bao cao su và hộp đựng. Sở dĩ cần chú ý tên vì trên thị trường hiện nay, có rất nhiều cơ sở sản xuất bao cao su nhái các nhãn hàng nổi tiếng. Họ có thể nhái 100% tên thương hiệu hoặc thay đổi tên chỉ khác 1 chữ cái để đánh lừa nhãn quan của người dùng. 

Dấu hiệu dễ nhận thấy ở bao cao su giả là nét chữ trên bao bì thường mờ, nhòe, các thông tin về thành phần, cách sử dụng thường chung chung, mập mờ, trong khi đó, bao cao su thật có logo và thông tin của hãng sản xuất, vỏ được in sắc nét, nổi ở cả hai mặt, mặt sau ghi rõ hạn sử dụng.

Hoặc người dùng có thể dùng công nghệ để quét mã vạch được in trên vỏ hộp bao cao su. Nếu kiểm tra mà không thấy hiển thị thông tin sản phẩm, nhà sản xuất chứng tỏ bao cao su được sản xuất gia công, không nên mua. 

Một điểm nhận diện nữa là quan sát màu sắc, hình dạng của chiếc bao cao su. Bao giả màu thường bị ngả vàng, độ trơn không đảm bảo, độ đàn hồi thấp, dễ bị rách, có mùi hóa chất hoặc mùi cao su nồng còn bao cao su thật sẽ có màu trắng trong, đàn hồi tốt, đảm bảo không bị rách trong quá trình sử dụng.