Bệnh chân tay miệng: Cẩn trọng với những dấu hiệu khi trẻ mắc bệnh

10:47 | 14/07/2022

Bệnh tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây là một bệnh truyền nhiễm phổ biến, bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa và rất dễ lây lan. Cha mẹ cần chủ động nhận biết những dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ để điều trị kịp thời, phòng ngừa, tránh lây lan trên diện rộng.

Thời gian qua, số bệnh nhân mắc tay chân miệng ở Hà Nội tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các trường hợp mắc tay chân miệng, bệnh nhân có thể xuất hiện những triệu chứng của diễn biến nặng nhưng không được nhận diện sớm. Điều này rất dễ khiến tình trạng bệnh trở nên phức tạp hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Theo Zing, tại Khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn – Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3-4 bệnh nhi tay chân miệng phải nhập viện điều trị. Đáng chú ý, có những ngày cao điểm, khoa phải tiếp nhận đến 7-8 trường hợp mắc tay chân miệng.

Bác sĩ Đặng Quang Nhật (Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết: “Các bệnh nhi phải nhập viện đều là trường hợp khám sàng lọc có yếu tố chỉ định nhập viện như sốt cao liên tục khó hạ, có biểu hiện giật mình… Các trường hợp này phải nhập viện để theo dõi biến chứng của bệnh”.

Theo thống kê của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong tuần thứ 26, toàn miền Bắc ghi nhận 174 trường hợp mắc tay chân miệng. Tích lũy trong năm 2022, con số này là 4.888 ca. Tuy nhiên, chưa có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng ở miền Bắc tăng tới 252% (1.387 ca năm 2021).

Tại Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng lên tới hơn 1.000 trường hợp tính từ đầu năm đến nay. Số lượng này tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành y tế Hà Nội dự báo, số ca mắc tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do vẫn đang ở cao điểm mùa dịch.

Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng. Ảnh: TTXVN

Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng. Ảnh: TTXVN

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người có thể phát triển thành dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra. Nguyên nhân gây bệnh do hai nhóm tác nhân là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối.

Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.

2. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Enterovirus gây ra, nổi bật là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Trong đó, Coxsackievirus A16 ít gây biến chứng, người bệnh có thể tự khỏi sau một thời gian nghỉ ngơi. Ngược lại, người mắc bệnh bởi virus Enterovirus 71 lại có nguy cơ tử vong rất cao.

3. Bệnh tay chân miệng lây truyền qua các con đường nào?

Bệnh tay chân miệng truyền từ người này sang người khác thông qua dịch tiết mũi họng (nước bọt, đờm hoặc chất nước mũi), chất lỏng từ mụn nước hoặc bong vảy và phân. Do đó, trẻ rất dễ bị mắc bệnh nếu:

– Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.

– Trẻ cầm nắm đồ chơi, các vật dụng của trẻ bị bệnh.

– Trẻ tiếp xúc với dịch mũi, dịch bọng nước hoặc phân của người nhiễm bệnh.

– Trẻ bị nhiễm virus qua bàn tay của người chăm sóc trẻ.

4. Chẩn đoán bệnh chân tay miệng

Chẩn đoán dựa vào các biểu hiện lâm sàng (các giai đoạn của bệnh) và cận lâm sàng (thực hiện xét nghiệm RT- PCR hoặc phân lập virus để chẩn đoán xác định nguyên nhân).

5. Các giai đoạn và dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ

Dấu hiệu tay chân miệng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh.

Giai đoạn ủ bệnh

Lúc này bệnh chưa có biểu hiện, giai đoạn này kéo dài 3 – 6 ngày.

Giai đoạn khởi phát (kéo dài 1 – 2 ngày)

– Trẻ bị sốt, mệt mỏi, có thể sốt nhẹ từ 37,5 – 38 độ C, có thể sốt cao từ 38 – 39 độ C.

– Đau rát ở răng và miệng.

– Đau họng.

– Chảy nhiều nước bọt.

– Tiêu chảy.

– Biếng ăn.

Giai đoạn toàn phát (từ 3 – 10 ngày)

Viêm loét miệng: Xuất hiện mụn nước nhỏ (đường kính 2 -3 mm) ở niêm mạc miệng, má, lợi, mặt bên của lưỡi. Các bóng nước vỡ rất nhanh tạo thành các vết loét khiến trẻ bị tăng tiết nước bọt, khiến em bé bị tay chân miệng cảm thấy đau khi ăn và vì thế trẻ rất dễ biếng ăn.

Phát ban toàn thân: Xuất hiện các bóng nước lớn hình bầu dục lồi (đường kính 2 – 10mm) ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, vùng mông và nổi ban toàn thân có thể ở trên da hoặc ẩn dưới da.

Biến chứng: Trẻ bị tay chân miệng có biểu hiện sốt, buồn nôn, một số trường hợp sốt cao, nôn nhiều có thể xuất hiện các biến chứng thần kinh như rối loạn tri giác, lơ mơ, mê sảng, co giật… Các biến chứng này thường xuất hiện rất sớm từ ngày 3 đến ngày 5 của bệnh.

Giai đoạn lui bệnh

Từ 7 – 10 ngày tính từ ngày bệnh khởi phát, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không xảy ra các biến chứng như trên. Trường hợp xảy ra các biến chứng: sốt cao trên 39°C hoặc sốt cao kéo dài trên 48 tiếng, trẻ quấy khóc, bứt rứt, ói nhiều; ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, thở khó… thì cần cho trẻ nhập viện ngay.

Dấu hiệu tay chân miệng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh.

Dấu hiệu tay chân miệng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh.

6. Các dấu hiệu tay chân miệng chuyển nặng

Bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó cha mẹ cần phải biết cách chăm sóc trẻ, cách phát hiện sớm các dấu hiệu tay chân miệng chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời khi cần. Các triệu chứng nặng bao gồm:

– Sốt cao liên tục không thể hạ.

– Giật mình.

– Mệt mỏi không chơi, ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà.

– Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú ở tay, chân.

– Thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè.

– Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

7. Các biến chứng nguy hiểm của tay chân miệng

Bệnh chân tay miệng ở trẻ em nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Một vài trường hợp phát hiện trễ, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm, bệnh gây lở loét trong miệng và cổ họng khiến cho việc ăn uống trở nên đau rát và khó khăn. Một dạng bệnh tay chân miệng hiếm gặp gây ra các biến chứng như:

Viêm màng não do virus: Đây là một bệnh nhiễm trùng và viêm hiếm gặp ở màng não và dịch não tủy bao quanh não và tủy sống.

Viêm não: Biến chứng này rất hiếm gặp.

Viêm cơ tim: Cũng có thể xảy ra mặc dù tỷ lệ rất thấp.

Đối với phụ nữ mang thai, bên cạnh nguy cơ gặp các biến chứng trên, bệnh còn có thể khiến quá trình mang thai bị ảnh hưởng như sảy thai, thai chết lưu hay dị tật bẩm sinh. Do vậy, phụ nữ mang thai cần đặc biệt cẩn thận khi tiếp xúc với người đang bị tay chân miệng.

8. Cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ

Nguyên tắc điều trị:

Hiện nay chưa có thuốc điều trị tay chân miệng đặc hiệu, do đó chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Theo dõi nhằm phát hiện sớm và điều trị sớm biến chứng.

Đảm bảo về mặt dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho trẻ.

– Nên:

Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen hay thuốc xịt gây tê ở miệng hoặc cho trẻ uống Paracetamol khi sốt trên 38ºC với liều 10 – 15 mg/kg cân nặng mỗi 4 – 6 giờ.

Sử dụng kem chống ngứa, chẳng hạn như calamine, có thể giúp giảm bớt khó chịu khi phát ban.

Các thương tổn ngoài da của trẻ do phát ban, bỏng nước có thể bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.

Vệ sinh miệng cho trẻ bị tay chân miệng bằng dung dịch sát khuẩn, súc miệng bằng nước muối loãng.

Tắm rửa vệ sinh nhẹ nhàng cho bé hàng ngày bằng nước sạch để tránh bị tình trạng nhiễm khuẩn.

Cho trẻ uống nhiều nước mát và thức ăn dễ tiêu hóa, mềm, lỏng.

Cách ly trẻ bị bệnh tay chân miệng với các trẻ khác trong nhà.

Hạn chế cho trẻ gãi vì có thể làm vỡ mụn nước có thể gây nhiễm trùng và có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho trẻ.

– Không nên:

Không sử dụng Aspirin để giảm đau cho trẻ em vì nó có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Kháng sinh sẽ không có tác dụng nên đừng tự ý sử dụng thuốc cảm cho bé.

Không sát trùng bằng chanh hay muối vì có thể sẽ làm trẻ đau và xót, tổn thương da và để lại sẹo.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị tay chân miệng đặc hiệu, do đó chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị tay chân miệng đặc hiệu, do đó chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

9. Phòng bệnh tay chân miệng

Nếu ở trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành bằng các biện pháp như:

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.

Cách ly trẻ bệnh tại nhà: Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch, nếu nghi ngờ bệnh cần được cách ly.

Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân tránh bội nhiễm.

Vệ sinh môi trường sống: Lau phòng ở của bệnh nhân, khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%.

Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.

Người nhà hay nhân viên y tế cần rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt, sau thăm khám...

Tin cùng chuyên mục

4 bài thuốc hỗ trợ điều trị u xơ tử cung

4 bài thuốc hỗ trợ điều trị u xơ tử cung

8:29 | 29/04/2024

Theo Đông y, u xơ tử cung xuất hiện khi hàn tà xâm nhập quấy rối bào cung, tử môn bế tắc mà phát sinh bệnh này.

Điều trị tóc bạc sớm do nhiều nguyên nhân

Điều trị tóc bạc sớm do nhiều nguyên nhân

8:30 | 27/04/2024

Theo Đông y, tóc bạc sớm do nhiều nguyên nhân gây ra như can thận khuy tổn, doanh huyết có hư nhiệt, can uất khí trệ… và việc trị bệnh cũng tùy thuộc vào từng căn nguyên mà có phương pháp phù hợp.

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

7:29 | 25/04/2024

Măng tây được biết có đặc tính chống viêm, giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường týp 2...

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.