Đừng sa bẫy “tín dụng đen”

Dịch COVID-19 khiến nhiều người phải nghỉ việc, không có việc làm dẫn đến giảm sút thu nhập trong khi hằng ngày vẫn phải chi tiêu cuộc sống, trả lãi ngân hàng… khiến cho họ trở thành con mồi để “tín dụng đen” sống dậy.

Khi cơ quan chức năng mạnh tay với các tổ chức cho vay nặng lãi dưới dạng "tín dụng đen" công khai thì trong mùa dịch COVID-19, trên mạng Internet và kho ứng dụng (app) trên điện thoại, "tín dụng đen" lại nở rộ.

"Tín dụng đen" nhắm đến không ngoại trừ bất cứ đối tượng nào, từ người lao động có thu nhập thấp cho đến tầng lớp trí thức. Nhanh chóng và tiện lợi là những điều mà các tổ chức "tín dụng đen" chào mời nhưng hậu quả cuối cùng thì vô cùng nặng nề. Và nhiều người đã "nhắm mắt đưa chân" sa vào bẫy "tín dụng đen" với mong muốn giải quyết khó khăn trước mắt, nào ngờ lại đẩy chính mình vào tình thế éo le, khó khăn và nguy hiểm hơn.

Với mục đích tìm được khách hàng nhanh nhất, "tín dụng đen" hoạt động đa dạng dưới nhiều hình thức như dán các tờ rơi cho vay nhanh, hỗ trợ tài chính không cần tín chấp; nhắn tin quảng cáo đến điện thoại, Facebook; xây dựng các app tài chính đăng tải trên các ứng dụng điện thoại…

Chỉ cần vài thao tác đơn giản tải app về điện thoại, không cần tài sản thế chấp đã có được các khoản vay với phí cao. Và tất nhiên là phí sẽ cao hơn lãi, khi chậm trả, lập tức sẽ bị "khủng bố" bằng nhiều hình thức.

Mặc dù thời gian qua, các tổ chức "tín dụng đen" liên tục bị cơ quan chức năng triệt xóa, người dân cũng đã phần nào cảnh giác nhưng trong tình hình hiện nay, dự đoán của các chuyên gia, "tín dụng đen" sẽ ngày càng phức tạp, khó lường, với nhiều chiêu thức tinh vi và khó đấu tranh hơn.

Thực tế từ những vụ triệt phá một số tổ chức "tín dụng đen" thời gian vừa qua, đủ để nhiều người thấy rằng đây là hình thức cho vay "cắt cổ" không loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận nào có thể đáp ứng được mức lãi suất quá cao này. Đặc biệt, hình thức cho vay này được duy trì bởi loại tội phạm phức tạp, gây nhức nhối xã hội. Nguy hiểm nhất là các đối tượng cho vay nặng lãi còn sử dụng cả các đối tượng nghiện ma túy, có tiền án, tiền sự tham gia đòi nợ thuê.

Trong hoàn cảnh khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội với khoản tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng. Gói cho vay hỗ trợ này sẽ do các ngân hàng thương mại thực hiện với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5-1,5%/năm. Vì vậy những doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được xem xét cho vay nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, khi cần vốn hãy nghĩ đến việc vay gói hỗ trợ thay vì tìm đến "tín dụng đen".

Dù khó khăn đến mấy cũng đừng mất tỉnh táo lao đầu vào "tín dụng đen" bởi đó là "tận đường sống" với quá nhiều nguy hiểm rình rập, thậm chí là có thể bị đánh đổi cả mạng sống.