VTV Đặc biệt "Ngày con chào đời" không còn những ngột ngạt, bức bối, khó thở như "Ranh giới"

Trong "Ngày con chào đời" lên sóng tối 22/9, không còn ám ảnh như "Ranh giới", phần phim này của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư lại là bộ phim về hy vọng sống, là mầm non nảy chồi ngay nơi tâm dịch.

"Ngày con chào đời" tiếp tục là những thước phim không lời bình như "Ranh giới". Thế nhưng, xuyên suốt tập phim dài gần 50 phút, không chỉ là những bước chân gấp gáp suốt ngày đêm, tiếng máy móc y tế chạy, tiếng thở gấp, tiếng la hét và những cuộc điện thoại vội vã... mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc, là niềm hân hoan trước một sinh linh bé bỏng chào đời, ngay trong hoàn cảnh đặc biệt tại Bệnh viện Hùng Vương, TP HCM.

Với những ai đã từng trải qua cuộc vượt cạn, từng nằm trên bàn mổ để chờ đợi con được sinh ra, từng phải xa con ngay khi con vừa mới chào đời lại càng thấm thía hơn, cảm thông hơn với những thai phụ trong bộ phim này. 

Tập phim mở đầu là hành trình mang song thai của một sản phụ và quyết định phải mổ con sớm hơn dự kiến ở tuần thứ 32 để bảo toàn sức khỏe cho cả mẹ lẫn con. Chồng chị cũng nhiễm bệnh nên không thể bên cạnh vợ lúc thập tử nhất sinh. Người mẹ trẻ khóc rất nhiều, lo lắng vì con chưa đủ ngày đủ tháng. Trong suốt ca mổ, các y bác sĩ liên tục động viên sản phụ: "Bình tĩnh, tập trung cho hơi thở để em bé sẵn sàng chào đời". 18 giờ 15 phút, em bé cất tiếng khóc chào đời trong niềm hân hoan, vỡ òa của người mẹ và đội ngũ y bác sĩ.

Ở đó còn một câu chuyện khác, một sản phụ quá đau thậm chí cầu xin được đẻ không thì xin tiêm thuốc đau. Giữa tình huống ngàn cân treo sợi tóc, bác sĩ Nguyễn Hữu Tài bộc bạch: "Thai phụ không mắc Covid-19 đã nặng nề, việc mắc phải thì triệu chứng tăng gấp đôi, trong tích tắc là nguy hiểm, vì thế cần phải đảm bảo cả mẹ và con".

Trong phần cuối của "Ngày con chào đời" không còn không khí ngột ngạt, căng thẳng nhờ những thước phim đan xen giữa bệnh viện và khu cách ly của nhà dân. Đó là hình ảnh cuộc sống của những gia đình đón niềm vui trọn vẹn sau khi trở về từ bệnh viện và hứa hẹn sau khi hết dịch các con sẽ cùng được đưa đi chơi.

Những thước phim lên sóng, nhiều khán giả không giấu được niềm xúc động và sự trân trọng với những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ và ê-kíp thực hiện bộ phim. "Một bộ phim nhân văn đầy ý nghĩa. Xin gửi lời cảm ơn tới các bác sĩ"; "Thương mẹ, thương con. Con ra đời mẹ lại mất vì Covid-19. Xót xa quá"; "Phần cuối bộ phim tài liệu, tôi đã cười, cảm giác nhẹ nhàng, hạnh phúc vì thời điểm này, đất nước này có những con người đang thầm lặng hy sinh, cống hiến. Cảm ơn các y bác sĩ, công an, quân đội và tất cả mọi người. Cảm ơn cuộc đời"; "Sau này các con xem lại để các con càng yêu cuộc sống này hơn"... là một số bình luận của khán giả.

Về phía đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, anh chia sẻ đã mất ngủ nhiều đêm kể từ ngày trở về sau chuyến tác nghiệp ở tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện hậu kỳ cho "Ranh giới" và giờ là "Ngày con chào đời" khiến anh khó có thể ngủ ngon vì những gì được chứng kiến ám ảnh trong cả giấc mơ. Và phần phim thứ hai này, dù không ngột ngạt, khó thở như phần 1 nhưng có những cái đau đáu nhất định để người xem suy ngẫm. 

"Ví dụ ở phim "Ranh giới" là những cuộc điện thoại kêu gọi nhân lực, vật lực để hỗ trợ cho khu K1 trong những hoàn cảnh cấp cứu, cứu chữa cho các thai phụ mắc COVID-19, là những cuộc điện thoại báo tin tình trạng bệnh nhân cho người nhà thì ở trong phim thứ hai cũng sẽ có những cuộc điện thoại ở cùng chiếc máy cố định đấy. 

Nhưng lần này là những cuộc điện thoại gọi gia đình đến đón bé và xót xa thay có thể là kèm theo lời chia buồn. Dù không thể nghe ở đầu dây bên kia nói gì nhưng có lẽ khán giả cũng sẽ cảm nhận được nỗi đau mà họ trải qua. Cá nhân tôi nghĩ mỗi người xem sẽ có cảm nhận riêng ở những chi tiết, hình ảnh, câu chuyện nhân vật mà chúng tôi đưa trong phim", anh bày tỏ.