Những bệnh truyền nhiễm nào có thể ngăn ngừa bằng vaccine?

8:27 | 25/09/2022

Tiêm vaccine góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm cho người dân trên toàn thế giới. Vậy những bệnh truyền nhiễm nào có thể ngăn ngừa được bằng vaccine? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Vaccine là chế phẩm có tính kháng nguyên và đóng vai trò quan trọng trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm. Hiện nay đã có rất nhiều bệnh có thể dự phòng được bằng vaccine. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân. Dưới đây là danh sách các loại vaccine được khuyên dùng để bảo vệ trẻ em và người dân khỏi dịch bệnh.

1. Bệnh dại

Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây qua niêm mạc hoặc da có vết thương do động vật có máu nóng (chó, mèo, dơi…) bị bệnh dại cắn, liếm, cào xước. Bệnh thường biểu hiện đột ngột sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng.

Người bệnh dại sẽ bị viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương bao gồm não và tủy sống do virus dại gây nên hay kích động, co giật, sau đó nhanh chóng tử vong. Tiêm ngừa là cách tốt nhất để phòng bệnh dại khi bị súc vật nghi dại cắn.

Tiêm vaccine dại trước và sau phơi nhiễm giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất kháng thể chống lại virus dại. Người bệnh cần nhớ tiêm đủ số mũi theo đúng quy định để tạo được đáp ứng miễn dịch hoàn chỉnh. Vaccine phòng dại là loại có thể dùng theo đường tiêm bắp hoặc đường tiêm trong da, có tính an toàn, hiệu quả cao. 

Ngoài ra, còn có thể tiêm ngừa dại chủ động ở những đối tượng có nguy cơ bị dại do tiếp xúc với súc vật thường xuyên như: nhân viên kiểm lâm, bác sĩ thú y, nhân viên giết mổ động vật, trẻ em…

2. Uốn ván

Bệnh uốn ván (tên khoa học là Tetanus) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do ngoại độc tố (Tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (tên khoa học là Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân.

Bệnh uốn ván có nhiều biến chứng nguy hiểm, thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị cao và nguy cơ tử vong rất lớn. Phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất làm tiêm ngừa khi có vết thương và tiêm vaccine uốn ván chủ động.

Vaccine uốn ván, còn được gọi là giải độc tố uốn ván, là một loại vaccine vô hoạt được sử dụng để ngăn ngừa uốn ván. Khi nói đến việc tiêm phòng uốn ván, nó bao gồm cả một liệu trình nhất định. Tùy vào từng trường hợp, có thể kết hợp vaccine ngừa uốn ván với các loại vaccine ngừa các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh bạch hầu. Nên tiêm nhắc lại sau 10 năm.

4 loại vaccine được sử dụng ngày nay bảo vệ chống uốn ván, tất cả các loại vaccine này cũng bảo vệ chống lại các bệnh khác:

Vaccine bạch hầu và uốn ván (DT).

Vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTaP).

Vaccine uốn ván và bạch hầu (Td).

Vaccine uốn ván, bạch hầu và ho gà (Tdap).

Nên tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ảnh minh họa

Nên tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ảnh minh họa

3. Sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...

Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vaccine; trẻ đã tiêm vaccine nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch; thanh niên do chưa từng mắc sởi hoặc tiêm vaccine trước đây. Việc ngừng cung cấp dịch vụ tiêm chủng do bất kỳ nguyên nhân nào, sống ở nơi có mật độ dân số quá đông cũng là những yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được bảo vệ bằng tiêm vaccine sởi. 

Vaccine phòng bệnh sởi là vaccine rất hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh sởi. Vaccine phòng bệnh sởi bao gồm vaccine sởi đơn giá MVVAC và vaccine phối hợp. Trong vaccine sởi phối hợp sẽ gồm 2 loại là vaccine Sởi - Rubella (MR) và vaccine Sởi - Quai bị - Rubella (MMR).

Hầu hết các vaccine được trình bày dưới dạng vaccine đông khô đi kèm với dung môi. Các loại vaccine được sản xuất từ các chủng vaccine khác nhau, tuy nhiên đều thuộc týp sinh học A. Vaccine được dùng cho trẻ từ 6 – 9 tháng tuổi trở lên, có tác dụng bảo vệ cao. Vaccine sởi là một vaccine bắt buộc trong “Chương trình tiêm chủng mở rộng” ở nước ta hiện nay. Nhờ đó, tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do sởi đã giảm nhiều.

Sau khi tiêm, vaccine sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm virus sởi, bao gồm miễn dịch thể, miễn dịch tế bào và interferon.

4. Ho gà

Ho gà là một bệnh truyền nhiễm gây ra do vi khuẩn ho gà tên khoa học là Bordetella pertussis. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua nước bọt khi người nhiễm vi khuẩn nói chuyện hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp của người mắc bệnh.

Bệnh ho gà xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có hơn 90% số ca mắc là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng.

Để phòng bệnh ho gà việc tiêm vaccine là biện pháp cần thiết phòng ngừa bệnh tật. Tiêm vaccine là đưa kháng nguyên của virus hoặc vi khuẩn gây bệnh đã được làm suy yếu vào cơ thể để kích thích hệ miễn dịch của trẻ sản sinh ra kháng thể nhằm chống lại bệnh.

Vaccine ho gà được chia làm 2 loại: vaccine ho gà vô bào và vaccine ho gà toàn tế bào. Hiệu giá kháng thể ho gà phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm tiêm và số liều cần phải tiêm cho trẻ.

Ngoài ra, để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh uốn ván-bạch hầu-ho gà (Tdap) trong thời gian mang thai.

Nhiều vaccine tổng hợp được bào chế phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm.

Nhiều vaccine tổng hợp được bào chế phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm.

5. Viêm gan siêu vi B

Viêm gan B (còn gọi là viêm gan siêu vi B) là bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Bệnh biểu hiện bằng sốt, vàng da, vàng mắt, tiểu vàng.

Viêm gan B được phân thành hai loại là viêm gan B cấp tính và viêm gan B mãn tính. Nếu không sớm được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm gan B có thể gây ra những tổn thương gan nghiêm trọng, kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Hàng năm, có gần 1 triệu người chết do những bệnh lý liên quan đến nhiễm HBV như xơ gan, ung thư gan. HBV là một yếu tố gây ung thư đứng hàng thứ 2 sau thuốc lá, HBV cũng là nguyên nhân gây ra 60-80% trường hợp ung thư gan nguyên phát và 50% trường hợp xơ gan. Vì vậy bệnh viêm gan siêu vi B cho đến nay vẫn còn là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tử vong.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm gan B. Khi bước vào giai đoạn mãn tính viêm gan B có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: Xơ gan, ung thư gan, suy gan, các vấn đề về sức khỏe khác (như bệnh thận hoặc viêm mạch máu).

Với phụ nữ mang thai bị viêm gan B có thể truyền bệnh cho con khi sinh. Điều này đúng đối với cả trường hợp sinh thường lẫn sinh mổ. Do đó, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai cần đến các cơ sở y tế uy tín để tiến hành xét nghiệm viêm gan B.

Cách phòng bệnh hữu hiệu hiện nay là tiêm ngừa vaccine càng sớm càng tốt. Ở trẻ em, không cần xét nghiệm kiểm tra xem có nhiễm virus viêm gan B trước khi tiêm ngừa vì nếu trẻ đã nhiễm thì vaccine cũng không làm bệnh nặng hơn.

Người tiêm vaccine cần hoàn thành loạt mũi tiêm gồm 3 hoặc 4 mũi theo lịch tiêm để được bảo vệ toàn diện.

6. Bại liệt

Bệnh bại liệt (Poliomyelitis) là một bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa do virus Polio gây lên, có thể lan truyền thành dịch. Bệnh được nhận biết qua biểu hiện của hội chứng liệt mềm cấp. Virus Polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít virus Polio xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não.

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh tật. Ảnh: TL

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh tật. Ảnh: TL

7. Bạch hầu

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bất cứ đối tượng nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị bệnh bạch hầu. Thông thường, trẻ từ 1 - 10 tuổi bị nhiều nhất là do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn.

Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh bạch hầu tử vong, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Người bệnh nhiễm vi khuẩn bạch hầu có thời gian ủ bệnh (đã nhiễm khuẩn nhưng chưa biểu hiện bệnh) trong 2-5 ngày. Các triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là gây viêm họng. Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng do các lớp tế bào bị viêm tạo ra lớp màng bám vào trong họng, khẩu cái mềm, amidan, lưỡi. Nếu không điều trị thì màng bám sẽ lan xuống vùng thanh quản gây khàn giọng, khó thở, ho ông ổng. Lớp mảng giả này sẽ làm tắc đường thở và gây tử vong.

Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch hầu gây ra viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn. Độc tố đó sẽ theo máu và tác động lên các cơ quan chính của cơ thể, có thể gây ra viêm tim, viêm thận hoặc tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Người ta sử dụng biến độc tố (toxoid) bạch hầu, chính là độc tố bạch hầu đã được làm mất các độc tính, bị hấp thụ trong nhôm hydroxyd. Hiện nay, tại Việt Nam không có vaccine phòng bạch hầu đơn giá, chỉ có vaccine phòng bạch hầu phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu.

8. Bệnh quai bị 

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus quai bị (Mumps virus) thuộc họ Paramyxoviridae, bệnh thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái.

Bệnh quai bị lây theo đường hô hấp và thường dễ lây nhất vào 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng hay 6 ngày sau khi các triệu chứng biến mất. Bệnh lây từ người bệnh qua người lành thông qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng chứa virus khi người bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện, khạc nhổ...

Quai bị có biểu hiện bằng các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, sưng to tuyến nước bọt như tuyến mang tai, tuyến dưới hàm làm cho cổ của bệnh nhân sưng to. Bệnh thường chỉ được điều trị triệu chứng và sẽ hết trong vòng một tuần, ít để lại di chứng.

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị là viêm não, viêm cơ tim và vô sinh do viêm xơ teo tinh hoàn ở bé trai. Người lớn mắc bệnh quai bị thường tiến triển nặng và để lại các biến chứng nguy hiểm hơn so với trẻ em. Mặc dù các biến chứng trên xảy ra với tỷ lệ khá thấp nhưng lại rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản mà còn có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị hỗ trợ, chăm sóc người bệnh và phòng ngừa các biến chứng của bệnh. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất tiêm vaccine sởi – quai bị - rubella hoặc vaccine quai bị. Vaccine quai bị đang được sử dụng hiện nay là vaccine vi khuẩn sống, nhưng đã được làm giảm độc lực để không còn khả năng gây bệnh.

9. Bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib (Haemophilus Influenzae Type B)

Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Haemophilus Influenza typ B (Hib). Là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não mủ ở trẻ em < 5 tuổi. Vi khuẩn Hib tồn tại ở mũi và họng, dễ lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, qua những giọt nước bọt hắt hơi và ho. Bất cứ trẻ nào chưa có miễn dịch phòng bệnh đều có nguy cơ mắc, đặc biệt trẻ từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện:

Đối với viêm màng não mủ: Bệnh cảnh nhiễm khuẩn diễn biến rất cấp tính. Sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn vọt, tăng kích thích, cổ cứng, co giật, li bì, lơ mơ, hôn mê, liệt thần kinh khu trú, giảm trương lực cơ. Ở trẻ em biểu hiện đầu tiên là nôn và co giật, thóp phồng, chướng bụng, tiêu chảy. Có thể sốc nhiễm khuẩn.

Đối với viêm phổi: Khởi phát viêm long đường hô hấp trên, sốt nhẹ, sổ mũi. Triệu chứng tiêu hóa (nôn, đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy) thường nổi bật ở trẻ nhỏ. Ho, lúc đầu ho khan sau có đờm; có thể không có ho ở trẻ nhỏ; thở nhanh, khó thở, co kéo cơ bụng và cơ liên sườn, đau ngực.

Vaccine phòng viêm phổi là vaccine quan trọng cần được tiêm để bảo vệ sức khỏe lâu dài cho trẻ em và người lớn.  Hiện nay, Việt Nam có 2 loại vaccine viêm phổi được khuyến cáo tiêm cho trẻ em và người lớn để phòng ngừa nguy cơ mắc viêm phổi do phế cầu khuẩn:

Vaccine Synflorix (Bỉ): Được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi, phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra, bao gồm: viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết và viêm tai giữa cấp.

Vaccine Prevenar 13: phòng các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa… đặc biệt có thể sử dụng cho cả trẻ em, người trưởng thành và người cao tuổi.

Nên đưa trẻ đi tiêm vaccine đúng lịch để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Unicef

Nên đưa trẻ đi tiêm vaccine đúng lịch để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Unicef

Hiện tại, có các loại vaccine phòng bệnh viêm màng não mủ do Hib:

Vaccine Pentaxim 5 trong 1, phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh viêm phổi-viêm màng não do HIB.

Vaccine Infanrix Hexa 6 trong 1, phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh viêm phổi – viêm màng não do HIB.

Cả 2 loại vaccine Pentaxim, Infanrix Hexa đều được tiêm vào thời điểm trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc vào lúc trẻ 16-18 tháng. Các loại vaccine phối hợp sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ và tiết kiệm thời gian cho gia đình trẻ.

Vaccine Quimi-Hib (được dùng cho trẻ từ 2 tháng tuổi). Tại Việt Nam, hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng hay dịch vụ đều có các vaccine phối hợp 5 trong 1 (Quinvaxem, Pentaxim) hoặc 6 trong 1 (Infanrix Hexa), trong đó đã có thành phần HIB. Do đó, vaccine Quimi-Hib ngừa tiêm màng não mủ chủ yếu được sử dụng làm vaccine tiêm nhắc lại cho trẻ trên 1 tuổi (trường hợp trẻ trên 1 tuổi đã được tiêm nhắc lại mũi thứ 4 bằng vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 thì không cần phải tiêm Quimi-Hib).

10. COVID 19 – Coronavirus

COVID-19: “Đại dịch Corona” còn có tên gọi khác là corona viêm phổi Vũ Hán, là một bệnh do virus có tên gọi SARS-CoV-2 gây ra và được phát hiện vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc. Căn bệnh này rất dễ lây lan và đã nhanh chóng lan ra khắp thế giới. Giống như nhiều loại virus đường hô hấp khác, coronavirus lây lan nhanh chóng qua các giọt nhỏ bắn ra khỏi miệng hoặc mũi khi thở, ho, hắt hơi hoặc nói.

COVID-19 thường gây ra các triệu chứng hô hấp, có thể cảm thấy giống như cảm lạnh, cúm hoặc viêm phổi. Coronavirus SARS-CoV-2 có thể tấn công không chỉ phổi và hệ hô hấp mà các bộ phận khác của cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.

COVID-19 có các triệu chứng phổ biến là sốt, ho và mệt mỏi. Các triệu chứng khác có thể bao gồm khó thở, đau hoặc tức ngực, đau nhức cơ hoặc cơ thể, đau đầu, mất vị giác hoặc khứu giác, lú lẫn, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, đau bụng và phát ban trên da. Ngoài những triệu chứng này, trẻ sơ sinh có thể khó bú.

Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể lây nhiễm COVID-19. Trong khi trẻ em và người lớn gặp các triệu chứng tương tự, trẻ em thường ít mắc bệnh nghiêm trọng hơn người lớn.

Để phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo nên đi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 5 tuổi trở lên. Bộ Y tế đã cấp phép và cho lưu hành nhiều loại vaccine COVID-19 khác nhau đạt chất lượng và được chứng nhận. Tùy vào tình hình cung cấp vaccine thực tế mà đơn vị y tế và người dân sẽ được tiêm các loại vaccine khác nhau chỉ cần đảm bảo đúng yêu cầu về thời gian tiêm, số mũi tiêm và yêu cầu sức khỏe tương ứng.

Các loại vaccine COVID-19 được cấp phép tại Việt Nam: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Moderna, Pfizer, Janssen, Abdala, Hayat.

11. Cúm

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (mũi, họng và phổi) gây ra bởi virus cúm, bệnh dễ lây lan từ người này sang người khác. Các triệu chứng của bệnh cúm bao gồm sốt cao trên 37.8 độ C, ho, đau cổ họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau nhức cả người, nhức đầu và cảm thấy rất mệt, một số người có thể ói mửa hoặc tiêu chảy.  

Bệnh cúm lây qua đường hô hấp, trực tiếp qua giọt bắn khi bệnh nhân hắt hơi hay gián tiếp khi tiếp xúc qua tay rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Bệnh cúm có thời gian ủ bệnh từ 1- 4 ngày, thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.

Vaccine cúm là “lá chắn” phòng bệnh rất cần thiết với trẻ em và quan trọng với người lớn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra. Đây là loại vaccine phòng ngừa sự xâm nhập và tấn công của các chủng virus cúm. Tiêm ngừa vaccine cúm hàng năm mang lại những lợi ích to lớn, giúp trẻ em và người lớn giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện và tử vong do cúm.

Vaccine cúm bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm, các kháng thể này sẽ có sau khi chủng ngừa khoảng 2-3 tuần. Các kháng thể đặc hiệu này sẽ giúp tiêu diệt virus (trung hòa virus) khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh cúm nhằm giúp giảm khả năng nhiễm bệnh và giảm mức độ nặng của bệnh nếu có bị mắc.

Tuy nhiên, nồng độ kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian và các chủng virus cúm thay đổi liên tục từ năm này sang năm khác, đó là lý do tại sao công thức vaccine phòng cúm luôn được cập nhật mỗi năm để phù hợp với chủng virus hiện đang lưu hành và việc tiêm nhắc lại vaccine cúm hằng năm là rất cần thiết để duy trì sự bảo vệ cao nhất.

Tin cùng chuyên mục

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8:26 | 19/04/2024

Nếu bạn muốn sống đến 100 tuổi, chuyên gia dinh dưỡng và tuổi thọ người Mỹ cho biết có một loại thực phẩm đặc biệt mà bạn nên ăn hằng ngày, đó là rau lá xanh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.