Cúm A khác gì so với cúm B, cúm C và cúm D?

19:57 | 26/07/2022

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do nhiều loại virus gây ra và có khả năng lây lan nhanh. Vậy các loại virus gây ra dịch cúm có gì khác nhau?

Theo Bác sĩ cao cấp, Tiến sĩ Vũ Văn Tâm (Bác sĩ Nội truyền nhiễm – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long), cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi virus cúm.

Cúm lây lan qua chủ yếu bởi những giọt nhỏ được tạo ra khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những giọt này có thể rơi vào miệng hoặc mũi của những người khoẻ ở gần. Cách lây truyền ít thường xuyên hơn, đó là người bị cúm chạm tay vào các bề mặt hay vật dụng và sau đó người khoẻ mạnh không biết chạm tay vào các vị trí đó rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt. Cúm có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng và thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Triệu chứng của bệnh cúm có thể là sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau đầu, mệt mỏi... Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh cúm đều như nhau và do loại virus giống nhau. Các loại cúm hiện nay có thể gây bệnh dịch theo mùa là virus cúm A và B.

Virus cúm lây truyền qua đường hô hấp.

Virus cúm lây truyền qua đường hô hấp.

1. Các loại virus cúm thường gặp

Có bốn loại virus cúm: Cúm A, cúm B, cúm C và cúm D.

Cúm A

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A chủng H1N1, H5N1, H7N9 gây nên. Trong đó, cúm A/H5N1 và A/H7N9 là một loại huyết thanh của virus cúm A nhưng chủ yếu thường lưu hành ở các loài gia cầm và có khả năng lây nhiễm sang người và tạo thành dịch.

Virus cúm A xâm nhập vào cơ thể qua màng nhầy của mũi, mắt hoặc miệng của con người. Mỗi khi chạm tay vào một trong những khu vực này, có thể tự lây nhiễm virus. Chính vì vậy, việc giữ cho tay không ẩn chứa mầm bệnh bằng cách rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng đóng vai trò rất quan trọng.

Cúm A thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường. Tuy nhiên, bệnh còn kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm. Đặc biệt, các loại cúm A có chủng độc lực cao có thể khiến người bệnh tử vong nhanh, tiềm ẩn cao nguy cơ gây đại dịch do đó cần được theo dõi chặt chẽ.

Cúm B

Virus cúm B gây bệnh chủ yếu trên người và một số loài hải cẩu. Đây là loại virus lành tính, đa phần người bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi. Tất nhiên vẫn có trường hợp bị đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Virus loại B không gây ra đại dịch.

Cúm C

Virus cúm C gây bệnh chủ yếu trên con người và một số loài lợn. Virus cúm C gây bệnh nhẹ, không gây ra dịch.

Cúm D

Virus cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và có vẻ không lây nhiễm cho người.

Có bốn loại virus gây bệnh cúm.

Có bốn loại virus gây bệnh cúm.

2. Dịch cúm A khác gì so với cúm B, cúm C và cúm D?

Bệnh cúm A có thể có triệu chứng từ nhẹ đến nặng và khác nhau tùy theo từng người. Các triệu chứng phổ biến của cúm A bao gồm: mệt mỏi, nghẹt mũi, ho, đau đầu, đau họng, nhức mỏi cơ thể, ớn lạnh, sốt, nôn hoặc tiêu chảy, thường gặp ở trẻ em.

Một số người gặp các triệu chứng nghiêm trọng, có thể bao gồm: tức ngực, khó thở, đau nhiều, yếu nhiều, sốt cao, co giật, chóng mặt…

Mắc cúm A, đa phần người bệnh sẽ tự khỏi sau khi được nghỉ ngơi ngay khi xuất hiện các triệu chứng, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, những đối tượng như người già, trẻ em, người có hệ miễn dịch yếu sẽ dễ dàng mắc thêm các bệnh khác, hoặc gặp biến chứng bệnh ở thể nặng, gây nguy hiểm tính mạng.

Biến chứng nặng nhất của cúm A chính là suy hô hấp, với triệu chứng khó thở, thở gấp, khạc ra đờm đặc có lẫn máu…  dẫn đến viêm phổi cấp tính, thiếu oxi và tử vong.

Khác với bệnh cúm do virus loại A gây ra, cúm B do virus lành tính gây ra cảm cúm thông thường ở người, lây qua đường hô hấp. Người mắc bệnh có các triệu chứng như sốt (có thể sốt cao, đột ngột), viêm đường hô hấp trên, ho, sưng đau họng, ít khi xuất hiện các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản. Thời gian ủ bệnh từ 1-3 ngày và diễn biến bệnh từ 3-5 ngày. Đối tượng nhiễm bệnh là tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh mạn tính khác. Đa phần người bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi. Virus loại B không gây ra đại dịch.

Cúm C gây ra bởi virus loại C, thường rất ít gặp và gây bệnh nhẹ hơn các trường hợp do virus nhóm A, B. Bệnh có các triệu chứng lâm sàng không điển hình và chúng cũng không gây dịch.

Các trường hợp nhiễm virus loại D rất hiếm so với loại A, B và C. Virus cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và có vẻ không lây nhiễm cho người. Trong 4 loại virus cúm, cúm A là loại phổ biến nhất, nguy hiểm nhất và rất dễ lây lan.

3. Vì sao dịch cúm A dễ bùng phát?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng I (TP.HCM), virus cúm A, nhất là cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống đến 48h trên bề mặt các vật dụng thông thường như tay nắm cửa, bề mặt tủ, bàn ghế… tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Đặc biệt, virus cúm A có thể sống đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C.

Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí, giọt nhỏ di chuyển trong không khí theo các giọt nước li ti bắn ra khi người bị nhiễm cúm bị ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Virus vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Những người bị nhiễm virus có khả năng truyền bệnh ngay cả khi có các triệu chứng đầu tiên xuất hiện cho đến khoảng 5 ngày sau. Trẻ em và những người có hệ miễn dịch yếu có thể truyền bệnh cho người khác lâu hơn do mắc bệnh kéo dài.

Bệnh cúm hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vaccine.

Bệnh cúm hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vaccine.

4. Vì sao phải tiêm vaccine phòng bệnh cúm?

Bệnh cúm hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vaccine. Các chủng virus biến đổi từng năm, vì thế mỗi người cần tiêm phòng nhắc lại hàng năm. Mục đích nhằm đảm bảo miễn dịch với bệnh tốt nhất. Vaccine cúm giúp tạo kháng thể chủ động bảo vệ lên đến 97% trước sự tấn công của virus cúm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, người đã tiêm cúm nếu không may mắc phải chủng cúm khác, thì nguy cơ các biến chứng nặng do cúm cũng nhẹ hơn, thời gian mắc bệnh cũng ngắn hơn.

Theo một nghiên cứu năm 2017, vaccine có thể làm giảm nguy cơ tử vong tại bệnh viện do cúm, ngăn ngừa nguy cơ phải vào khoa hồi sức tích cực và giảm thời gian nằm viện.

Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể tiêm vaccine phòng bệnh cúm. Các chuyên gia khuyến cáo: phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm vaccine cúm càng sớm càng tốt, người lớn và trẻ em nên tiêm nhắc cúm hàng năm để phòng bệnh dịch.

Đặc biệt, phụ nữ mang thai trong giai đoạn 3 tháng đầu, cơ thể có nhiều biến đổi, suy giảm hệ miễn dịch. Nếu nhiễm cúm B, người mẹ có khả năng sinh non hoặc sảy thai, do đó phụ nữ trước khi mang thai cần tiêm vaccine ngừa cúm để bảo vệ cho cả mẹ và con trong suốt thai kỳ và những tháng đầu sau sinh, giúp giảm nguy cơ bệnh lý ở thai nhi, bảo vệ sức khỏe trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm vaccine phòng cúm.

5. Các biện pháp phòng bệnh cúm

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

Ở nhà khi bị ốm.

Che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho.

Rửa tay thường xuyên.

Khử trùng các bề mặt có thể chứa mầm bệnh cúm.

Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng.

Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.

Tiêm vaccine cúm hàng năm. Vaccine cúm có thể dạng thuốc tiêm hoặc thuốc xịt mũi.

Tin cùng chuyên mục

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8:26 | 19/04/2024

Nếu bạn muốn sống đến 100 tuổi, chuyên gia dinh dưỡng và tuổi thọ người Mỹ cho biết có một loại thực phẩm đặc biệt mà bạn nên ăn hằng ngày, đó là rau lá xanh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.