Điểm danh các bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh cha mẹ cần biết

8:46 | 10/08/2022

Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn non nớt, chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên thường dễ mắc bệnh. Một số chứng bệnh thường gặp có thể tự xử trí tại nhà nhưng cha mẹ phải biết được nguyên nhân. Dưới đây là các bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh mà cha mẹ cần nắm bắt.

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan (Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long) cho biết, trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn non nớt, sức đề kháng yếu, chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên trẻ sơ sinh thường dễ mắc bệnh.

Phần lớn các chứng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh không nguy hiểm tính mạng, có thể xử trí tại nhà nhưng các bậc cha mẹ phải biết được nguyên nhân, những dấu hiệu cảnh báo để có thể xử trí, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài viết dưới đây tổng hợp các vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh mà các bậc cha mẹ cần biết, để có thêm kiến thức chăm sóc bé luôn khỏe mạnh.

Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn non nớt, chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên thường dễ mắc bệnh.

Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn non nớt, chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên thường dễ mắc bệnh.

1. Ngạt thở

Trẻ sơ sinh bị ngạt là tình trạng trẻ đẻ ra không thở, không khóc gây thiếu oxy, thừa CO2 mô, nếu kéo dài sẽ bị di chứng hoặc tử vong.

Nguyên nhân gây ngạt thở:

Thiếu oxy.

Chấn thương nội sọ.

Miễn dịch không tương thích giữa máu mẹ và thai nhi.

Nhiễm trùng trong tử cung.

Tắc nghẽn một phần hoặc toàn đường hô hấp của bào thai.

Trong thực tế, ngạt ở trẻ sơ sinh thể hiện ngay lập tức sau khi trẻ ra đòi không kịp lấy hơi thở hoặc thở không đều. Trong tình trạng này, trẻ ngay lập tức phải được trợ giúp y tế.

2. Viêm mắt

Trẻ sơ sinh bị viêm mắt hay viêm kết mạc là bệnh thường gặp khi trẻ sơ sinh được vài ngày, với các triệu chứng hai mi sưng nề, đỏ, chảy nước mắt kèm dử mắt, trẻ khó mở mắt thậm chí không mở được mắt.

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh là do trẻ bị nhiễm khuẩn từ đường sinh dục của người mẹ khi sinh (hay gặp nhất là do lậu, chlamydia…), do nhiễm khuẩn từ trong bụng mẹ (thường gặp trong những trường hợp vỡ ối sớm) hoặc do trẻ không được chăm sóc, vệ sinh tốt trong những ngày đầu sau sinh…

Các loại viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh phổ biến nhất bao gồm:

Viêm kết mạc do vi khuẩn Chlamydial.

Viêm kết mạc do lậu cầu.

Viêm kết mạc do dị ứng thuốc nhỏ mắt.

Viêm kết mạc do vi khuẩn và virus khác.

Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh là bệnh mắt phổ biến, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những tình trạng nghiêm trọng, nguy cơ có thể bị viêm giác mạc gây mù. Vì vậy, khi phát hiện mắt trẻ có bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám.

3. Nấc cụt

Nấc cụt (hay nấc) được tạo ra do cơ hoành bị kích thích không liên tục đồng thời nắp thanh âm bị đóng lại đột ngột. Đây là một hiện tượng thường xuyên xảy ra, hay gặp ở các trẻ dưới 1 tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây nấc cụt cho trẻ như:

Trẻ bú quá no, trẻ nuốt nhiều không khí nhất là sau bú bình. Vì khi bú bình không đúng cách khiến cho bé nuốt được một lượng khí đáng kể vào dạ dày. Khi đạt vượt ngưỡng chịu đựng của dạ dày, nó tạo kích thích khiến cơ hoành bị co thắt và tạo tiếng nấc.

Trào ngược dạ dày: Khi xuất hiện nấc có thể là do axit trong dạ dày đang đi ngược vào thực quản. Đây là nguyên nhân phổ biến vì cơ quan tiêu hóa của dạ dày chưa được hoàn thiện.

Nhiệt độ thay đổi: Khi nền nhiệt thay đổi đột ngột, không khí lạnh đi vào phổi. Điều này có thể tạo ra tiếng nấc.

Đa số nấc ở trẻ em là hiện tượng sinh lý bình thường, không cần điều trị gì. Chỉ khi trẻ nấc nhiều kéo dài và mạnh khiến trẻ mệt, nôn trớ và quấy mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất.

Nhiều bệnh lý ở trẻ sơ sinh cha mẹ có thể tự xử lý tại nhà.

Nhiều bệnh lý ở trẻ sơ sinh cha mẹ có thể tự xử lý tại nhà.

4. Cảm lạnh

Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh thường có triệu chứng: Ho, thở khó, khò khè, thường xuyên hắt hơi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, quấy khóc, sốt, bỏ bú, gặp vấn đề khi ngủ…

Khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh, cần vệ sinh sạch sẽ và mặc đủ ấm cho trẻ. Xoa dầu em bé vào lòng bàn chân, cho trẻ bú mẹ nhiều. Nếu có dịch mũi cần phải hút sạch, để trẻ nằm cao đầu khi ngủ để tránh nước mũi chảy ngược vào trong.

Những đợt cảm lạnh thông thường ở trẻ sơ sinh thường không nguy hiểm nhưng chúng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hoặc viêm thanh khí phế quản cấp. Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh trong độ tuổi từ 2 - 3 tháng tuổi nên được đưa đến khám tại các bác sĩ nhi khoa, đặc biệt khi trẻ có sốt cao. Điều này giúp trẻ phòng tránh được các biến chứng nặng nề khác.

5. Nhiễm trùng đường hô hấp

Nhiễm khuẩn đường hô hấp là bệnh do vi khuẩn, virus gây ra, chúng khiến đường hô hấp bị tổn thương ở các vị trí khác nhau gồm: Thanh quản, khí quản, phế quản, tai, mũi, họng, phổi.

- Nhiễm khuẩn hô hấp gồm nhiễm khuẩn hô hấp trên và nhiễm khuẩn hô hấp dưới:

- Nhiễm khuẩn hô hấp trên gồm các bệnh lý như viêm xoang, viêm amidan, viêm họng, viêm tai giữa…

Nhiễm khuẩn hô hấp dưới bao gồm các bệnh lý liên quan tới viêm thanh quản, khí quản, phế quản và phổi.

Các dấu hiệu thông thường của trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp gồm:

Trẻ biếng ăn hoặc ít bú.

Trẻ mệt mỏi, hay quấy khóc, da trở nên xanh hơn.

Trẻ bị ho và kèm theo các dấu hiệu khác như tiêu chảy, chảy mũi, thở khò khè.

Khi bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trở nặng, trẻ sẽ có các dấu hiệu nguy hiểm như:

Trẻ thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực.

Không bú, bú ít hoặc không ăn uống được.

Nôn hết tất cả, kể cả nước.

Co giật, tím tái, ngủ li bì hoặc rất khó để đánh thức trẻ.

Trẻ thở bất thường.

Suy dinh dưỡng nặng.

Để nhận biết được trẻ thở bất thường hay không, cha mẹ cần quan sát và đếm nhịp thở của bé trong 1 phút bằng đồng hồ kim giây khi trẻ nằm yên, không quấy khóc. 

- Nhịp thở trên 60 lần/phút đối với trẻ từ 0 - 2 tháng tuổi.

- Nhịp thở trên 50 lần/phút đối với trẻ từ 2 - 12 tháng tuổi.

- Nhịp thở trên 40 lần/phút đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 5 tuổi.

Cha mẹ cần quan sát khi trẻ hít vào thở ra, phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào hay nở ra như bình thường. Đây chính là cách nhận biết dấu hiệu thở rút lõm lồng ngực ở trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em có thể để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển sau này của trẻ. Vì vậy, cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời ngay khi thấy trẻ có những dấu hiệu nguy hiểm của nhiễm khuẩn đường hô hấp.

6. Viêm phổi

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi nguyên nhân đầu tiên cha mẹ thường nghĩ đến là do thời tiết lạnh. Tuy nhiên đây chỉ là một tác nhân, nhiều nguyên nhân khác có thể có từ rất sớm dẫn tới trẻ bị viêm phổi.

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi chủ yếu là do các loại vi khuẩn như Listeria, Coli, vi khuẩn Gram âm. Nhiễm khuẩn phổi ở trẻ có thể xảy ra từ trước, trong hoặc sau khi đẻ, liên quan mật thiết tới thời gian vỡ ối trước khi đẻ.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị viêm phổi đó là thai nhi trong tử cung bị thiếu dưỡng khí. Do đó trong quá trình mang thai, người mẹ phải kiểm tra định kỳ, nhất là giai đoạn cuối để phát hiện sớm tình trạng này và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Bên cạnh đó, những trẻ sơ sinh thiếu cân do các phản xạ đường thực quản còn chưa hoàn thiện, vận động cơ chưa đều đặn nên dễ bị trào ngược thực quản dạ dày khiến sữa bị hít nhầm vào phổi, gây các triệu chứng thở gấp, hụt hơi, tím tái mắt. Lượng sữa hít vào càng nhiều thì triệu chứng càng nặng, có thể gây ra viêm phổi.

Cha mẹ cần để ý nếu thấy trẻ có những dấu hiệu sau:

Bú kém hoặc bỏ bú.

Sốt trên 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt.

Thở nhanh trên 60 lần/1 phút hoặc khó thở.

Khi có triệu chứng rõ ràng sau thì bệnh viêm phổi đã nặng: Trẻ sốt hoặc hạ thân nhiệt, đáp ứng kém với kích thích, li bì, bú kém hoặc bỏ bú, chướng bụng, nôn nhiều, khó thở, rút lõm lồng ngực, tím tái... Cha mẹ cần chú ý tình trạng của trẻ để sớm phát hiện các dấu hiệu ban đầu của bệnh, khi trẻ có biểu hiện sốt, bỏ bú, thở nhanh... thì phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong.

7. Bệnh vàng da

Bệnh vàng da rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ở trẻ sơ sinh non tháng, sau khi chào đời 2 - 3 ngày, thường xuất hiện vàng da. Nguyên nhân gây vàng da sinh lý của trẻ sơ sinh là do sự tích tụ Bilirubin - chất có màu vàng được sinh ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ và giải phóng.

Vàng da xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh vì các bé có số lượng tế bào hồng cầu cao, lại thường xuyên bị phá vỡ và thay mới. Trong khi đó, gan của trẻ sơ sinh lại chưa đủ trưởng thành để đào thải hết Bilirubin ra khỏi máu và vì vậy mà gây nên vàng da. Khi trẻ khoảng 2 tuần tuổi, gan sẽ phát triển đầy đủ hơn để có khả năng xử lý và lọc bỏ hết Bilirubin. Chính vì thế bệnh vàng da sinh lí ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi mà không để lại bất cứ nguy hiểm nào.

Tuy nhiên trẻ sơ sinh có thể bị vàng da sinh lý lẫn vàng da bệnh lý - biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó. Trong khi vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi sau khoảng 2 tuần, thì vàng da bệnh lý cần được bác sĩ chuyên khoa chữa trị lâu dài bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy vào mức độ bệnh.

Vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh là tình trạng không thể coi thường vì có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như: Bilirubin não cấp tính, Vàng da nhân (Bệnh não do Bilirubin). Khi phát hiện các triệu chứng bất thường ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế ngay để được bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời.

8. Mụn sữa

Mụn sữa ở trẻ sơ sinh là tình trạng da liễu thường thấy, nhất là khi trẻ vừa chào đời khoảng 1 tháng. Mụn sữa thường có màu trắng hay đỏ, kích thước rất nhỏ, xuất hiện ở da mặt, chủ yếu là vùng má, mũi, trán, cằm hay trên da đầu, một số trẻ em còn mọc mụn sữa trên những bộ phận khác như ngực, cổ... Nếu cơ thể trẻ em quá nóng, dính nước bọt hay tiếp xúc với áo quần chất liệu quá thô ráp thì cũng có nguy cơ bị nổi mụn sữa.

Mụn sữa ở trẻ sơ sinh có thể tự động hết trong vòng từ vài tuần đến vài tháng.

Mụn sữa ở trẻ sơ sinh có thể tự động hết trong vòng từ vài tuần đến vài tháng.

Mụn sữa ở trẻ sơ sinh có thể tự động hết trong vòng từ vài tuần đến vài tháng. Trong thời gian này thì bố mẹ cũng có thể áp dụng một số phương pháp để quá trình hết mụn được nhanh chóng hơn:

Giữ vệ sinh cho khuôn mặt của trẻ: Rửa mặt với nước ấm mỗi ngày cho trẻ, nếu dùng xà phòng thì nên lựa chọn loại dịu nhẹ dành riêng cho trẻ em.

Không dùng những sản phẩm tiếp xúc với da trẻ có quá nhiều chất hóa học tẩy rửa mạnh; không nên tự ý dùng thuốc bôi cho trẻ.

Không nặn nặn mụn, không chà xát trên da trẻ.

9. Hăm tã

Hăm tã hoặc viêm da tã lót là một dạng viêm da ở vùng mặc tã. Hăm tã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là thường gặp do trong giai đoạn mang tã và có thể khiến vùng da bị ảnh hưởng của bé ửng đỏ, sáng bóng và làm bé khó chịu. Bệnh thường do tã không được thay hoặc bị ướt thường xuyên hoặc do da bị cọ xát nhiều.

Các triệu chứng nhận biết bé bị hăm tã:

Bé tỏ ra khó chịu, ngủ không thẳng giấc.

Phần da tiếp xúc với tã, bao gồm bộ phận sinh dục, các ngấn ở đùi và mông, nổi mẩn đỏ.

Phần da dị ứng có thể khô hoặc ướt.

Có thể xuất hiện những vết sưng hoặc mụn gây lở loét trên da.

Vùng da bị tổn thương sẽ rất đau và làm bé không cảm thấy dễ chịu nhất là khi nước tiểu tiếp xúc vào. Bé sẽ giật mình thường xuyên và đôi khi khóc thét lên.

Khi trẻ bị hăm tã cha mẹ cần:

Rửa sạch mông, bẹn bằng xà phòng và nước sạch.

Lau khô da nhẹ nhàng.

Thoa kem thuốc lên vùng da mông và bẹn một lớp mỏng.

Nên sử dụng loại tã lót ít dùng chất tạo mùi, các loại vải thoáng, mát, hút nước tốt.

Thay tã thường xuyên.

Nếu em bé bị sốt, mẩn đỏ nặng hơn mặc dù đã điều trị tại nhà hoặc lan ra ngoài vùng mặc tã, bỏ bú hay nôn mửa nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và có hướng điều trị phù hợp.

Mẹ nên thay tã thường xuyên để tránh trẻ bị hăm tã.

Mẹ nên thay tã thường xuyên để tránh trẻ bị hăm tã.

10. Nôn trớ

Nôn trớ ở trẻ sơ sinh là biểu hiện thức ăn trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản rồi trào ra miệng. Hiện tượng nôn trớ thường gặp hầu hết ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là khi trẻ ăn no, vặn mình. Nôn trớ sinh lý ở trẻ sơ sinh thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nôn trớ cũng là biểu hiện của một bệnh lý và thường đi kèm với những dấu hiệu khác như:

Khóc thét khi đang bú.

Bụng chướng.

Đau quặn bụng, ưỡn bụng.

Rơi vào trạng thái lơ mơ.

Có hiện tượng co giật.

Mất nước, khô miệng.

Bãi nôn có xuất hiện máu hoặc có màu vàng, màu xanh.

Nôn trớ khi bú có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như tắc ruột, lồng ruột, thiếu canxi... Do vậy, mẹ không nên chủ quan, cần theo dõi biểu hiện, cân nặng của trẻ. Trẻ nôn trớ nhiều có thể dẫn tới mất nước, suy dinh dưỡng, một số trường hợp có thể bị sặc chất nôn gây nguy hiểm cho trẻ.

11. Thoát vị rốn 

Thoát vị rốn là một dị tật khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nó xảy ra khi nội tạng trong ổ bụng chui ra ngoài, tạo thành một khối lồi tại vùng rốn. Khối thoát vị có thể chứa dịch, một phần nội tạng ví dụ như ruột, hoặc các tổ chức khác từ ổ bụng.

Dây rốn là cầu nối đưa chất dinh dưỡng từ mẹ sang bào thai để nuôi dưỡng bé khi còn trong bụng mẹ. Dây rốn nối với thai nhi bằng một lỗ nhỏ trong cơ thành bụng. Khi em bé được sinh ra, dây rốn sẽ được cắt bỏ. Khoảng 7 - 10 ngày sau, cuống rốn sẽ teo dần, rụng đi, vết thương khô lại và tự lành, tạo thành rốn của trẻ. Lỗ ở thành bụng phần dây rốn đi qua dần dần tự đóng lại. Trẻ bị thoát vị rốn là trẻ có cơ bụng không thể tự đóng lại.

Thoát vị rốn xảy ra thường xuyên nhất ở các bé sinh non hoặc có cân nặng khi sinh thấp. Dị tật này xảy ra nhiều hơn ở các bé gái.

Khối thoát vị rốn lồi lên tại vị trí lỗ rốn của trẻ. Cha mẹ có thể phát hiện bệnh bằng cách quan sát hoặc khi ấn nhẹ vào vùng rốn cảm thấy có một khối lồi lên. Khi trẻ nằm im, khối thoát vị sẽ nhỏ và chìm xuống, rất khó phát hiện. Khối thoát vị sẽ to lên, có thể nhìn rõ hơn khi bé ưỡn người, ho, khóc hoặc khi bé ngồi dậy. Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh không gây đau nên không khiến cho bé khó chịu.

Những trường hợp nhẹ thoát vị rốn có thể tự lành, cha mẹ không cần làm gì, không nên có tác động gì đến rốn của trẻ hay áp dụng các biện pháp kinh nghiệm dân gian. Đối với những trường hợp thoát vị lớn, các cơ quan trong khoang bụng có thể thoát ra nhiều và gây nguy hiểm (nghẹt ruột, dẫn đến hoại tử, nếu chậm được giải thoát có thể phải cắt bớt ruột, thậm chí tử vong) thì giải quyết càng sớm càng tốt bằng cách mổ để khâu kín chỗ hở, vừa giải quyết triệt để vừa phòng nghẹt ruột. Nếu thấy rốn lồi to lên một cách bất thường, có sự thay đổi về màu sắc, trẻ đau, khóc, nôn nhiều… thì nên đưa trẻ đi khám bệnh.

Tin cùng chuyên mục

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

7:29 | 25/04/2024

Măng tây được biết có đặc tính chống viêm, giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường týp 2...

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.