Thuốc và các biện pháp điều trị chấn thương sụn chêm

Chấn thương sụn chêm là một trong những chấn thương phổ biến nhất ở khớp gối, đặc biệt ở các vận động viên tham gia các môn thể thao đối kháng...

1. Triệu chứng của chấn thương sụn chêm

Người bị chấn thương sụn chêm thường có các triệu chứng:

  • Đau đầu gối khi đi bộ
  • Tiếng kêu lách tách có thể được cảm nhận tại thời điểm bị thương
  • Đau khi ấn vào sụn chêm
  • Sưng đầu gối
  • Hạn chế vận động khớp gối
  • Khóa khớp, nếu sụn rách bị kẹt giữa xương đùi và xương chày, ngăn cản việc duỗi thẳng đầu gối...

Trong một số trường hợp, chấn thương sụn chêm sẽ tự lành khi bất động, nghỉ ngơi, vật lý trị liệu. Khi bị đau mạn tính hoặc đầu gối bị cứng có thể cần phẫu thuật.

 

Chấn thương sụn chêm rất thường gặp, đặc biệt ở các vận động viên tham gia các môn thể thao đối kháng...

2. Điều trị chấn thương sụn chêm

Điều trị chấn thương sụn chêm chủ yếu dựa trên mức độ nghiêm trọng, kích thước, vị trí của chấn thương. Trong trường hợp các triệu chứng nhẹ, không có dấu hiệu khóa hoặc hạn chế phạm vi khớp bác sĩ thường khuyến cáo nên điều trị bảo tồn. Nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc vết rách nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật.

Dưới đây là một số cách điều trị bảo tồn:

2.1. Phác đồ PRICE

RICE là viết tắt của rest (nghỉ ngơi), ice (chườm đá), compression (ép), elevation (nâng cao).

+ Nghỉ ngơi: Hạn chế các hoạt động bao gồm đi bộ nếu đầu gối bị đau, sử dụng nạng giúp giảm đau.

+ Chườm đá đầu gối để giảm đau, sưng: Thực hiện chườm trong 15-20 phút sau mỗi 3 - 4 giờ, trong 2 - 3 ngày hoặc cho đến khi hết đau, sưng.

+ Nén đầu gối: Sử dụng băng thun để kiểm soát sưng.

+ Nâng cao: Kê gối cao dưới gót chân khi ngồi hoặc nằm.

2.2 Dùng thuốc

+ Thuốc chống viêm: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) giúp giảm đau, sưng. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ, như tăng nguy cơ chảy máu, loét dạ dày... chỉ nên sử dụng khi có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

+ Tiêm corticosteroid: Corticosteroid là thuốc chống viêm mạnh có thể làm giảm đau đầu gối. Mặc dù corticosteroid tiêm trực tiếp vào đầu gối không chữa lành vết rách sụn chêm, nhưng có thể làm giảm sưng, đau.

Tuy nhiên không khuyến cáo tiêm nhiều mũi corticosteroid trong thời gian ngắn. Nếu sử dụng quá thường xuyên, corticosteroid có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm làm suy yếu mô mềm ở đầu gối và thoái hóa sụn. Corticosteroid cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu hoặc các tình trạng chuyển hóa khác.

+ Tiêm thuốc sinh học: Thuốc sinh học có nguồn gốc từ các nguồn sinh học như máu, tủy xương... là một công nghệ mới như một phương pháp bổ sung có thể cho các phương pháp điều trị tiếp cận không phẫu thuật khác. Những loại thuốc này có thể giúp mô lành lại và giảm viêm ở đầu gối.

Một số lưu ý khi dùng thuốc:

- Người bệnh cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ về liều dùng, số lần dùng thuốc trong ngày và số ngày dùng thuốc (đặc biệt đối với thuốc uống).

- Mỗi loại thuốc đều có những bất lợi đi kèm. Người dùng cần theo dõi cơ thể trong quá trình sử dụng thuốc, phát hiện kịp thời các bất thường trong cơ thể (vì có thể do tác dụng phụ của thuốc), thông báo cho bác sĩ biết để được xử trí kịp thời, thích hợp.

- Tái khám đúng hẹn để đánh giá tổn thương, giúp bác sĩ điều chỉnh thuốc hoặc các phương pháp điều trị (khi cần).

2.3 Vật lý trị liệu

Sử dụng các bài tập kéo giãn, tăng cường sức mạnh để giúp giảm căng thẳng cho đầu gối.‍ Các bài tập này là một trong những phần quan trọng nhất của quá trình phục hồi. Do đó, hãy tuân thủ kế hoạch và cẩn thận làm theo mọi hướng dẫn của chuyên gia trị liệu.

 

Chấn thương sụn chêm không được coi là vấn đề đe dọa tính mạng, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và các hoạt động hàng ngày.

3. Những điều cần lưu ý

Chấn thương sụn chêm rất phổ biến, nhưng một số biện pháp phòng ngừa có thể giúp giảm nguy cơ chấn thương đầu gối, bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên để giữ cho cơ đùi khỏe mạnh.
  • Cho cơ thể có thời gian nghỉ ngơi giữa các buổi tập luyện và không nên tăng cường độ tập luyện một cách đột ngột.
  • Đảm bảo giày đủ rộng và vừa vặn.

Sau khi hồi phục sau chấn thương sụn chêm, trước khi quay lại mức độ hoạt động thể chất cũ, cần đảm bảo:

- Có thể uốn cong và duỗi thẳng đầu gối hoàn toàn mà không bị đau.

- Không cảm thấy đau ở đầu gối khi đi bộ, chạy bộ, chạy nước rút hoặc nhảy.

- Đầu gối không còn sưng.

- Đầu gối bị thương cũng khỏe như đầu gối không bị thương.

Mặc dù rách sụn chêm không được coi là vấn đề đe dọa tính mạng, nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và các hoạt động hàng ngày. Không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống, chấn thương sụn chêm không được điều trị còn có thể dẫn đến viêm khớp gối, một tình trạng không thể phục hồi.

Nếu có dấu hiệu hoặc triệu chứng của chấn thương, rách sụn chêm, cần phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức, để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.

 

Nhận biết và điều trị rách sụn chêm khớp gối

SKĐS - Khớp gối là một khớp phức hợp, lớn và chịu toàn bộ tải trọng của cơ thể. Vì được cấu tạo phức tạp, bởi nhiều thành phần, có tầm hoạt động lớn, nên khớp gối rất dễ bị tổn thương.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Chuyên gia chỉ ra những nguy hại khi bị chấn thương cột sống | SKĐS