Nhiễm khuẩn sơ sinh sớm: Triệu chứng lâm sàng cha mẹ cần nhận biết

20:43 | 16/08/2022

Nhiễm trùng sơ sinh sớm là bệnh lý nguy hiểm khi trẻ mới sinh mắc bệnh nhiễm trùng do nguyên nhân trước, trong hoặc sau khi sinh. Trẻ mắc bệnh nếu không phát hiện, điều trị kịp thời có thể nguy hại đến sức khỏe. Cha mẹ cần nắm bắt các triệu chứng lâm sàng để có biện pháp xử lý kịp thời.

BS. Lê Trương Tuyết Minh (Khoa Nhi, Bệnh viện TƯQĐ 108) cho biết, nhiễm khuẩn sơ sinh gồm các bệnh nhiễm khuẩn xuất hiện trong vòng 28 ngày đầu sau sinh. Nhiễm khuẩn sơ sinh được chia thành nhiễm khuẩn sơ sinh sớm (xảy ra trong vòng 72h đầu sau sinh) hay còn gọi là nhiễm khuẩn từ mẹ truyền sang con và nhiễm khuẩn sơ sinh muộn (xảy ra sau 72h đầu sau sinh).

Nhiễm khuẩn sơ sinh là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ đẻ non, cân nặng thấp. Do vậy bố mẹ trẻ cần có những hiểu biết nhất định để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

1. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn sơ sinh sớm

– Lây qua đường máu từ mẹ sang con: Là đường lây truyền xảy ra trước sinh, thường gặp các tác nhân như: giang mai bẩm sinh, HIV, rubeola, cytomegalo virus, toxoplasma.

– Lây qua đường ối: Do nhiễm trùng tiết niệu sinh dục mẹ, mẹ bị hở cổ tử cung, vỡ ối sớm, thăm khám âm đạo nhiều.

– Lây qua đường tiếp xúc khi sinh: Lúc ngang qua tử cung, âm đạo, âm hộ khi chuyển dạ kéo dài.

– Do môi trường: Gây nhiễm trùng huyết sau sinh. Lây gián tiếp qua các vật dụng như: kim, ống chích, catheter, thông dạ dày, không rửa tay khi tiếp xúc bệnh nhân, môi trường nhiễm bẩn. Tăng nguy cơ khi nằm viện lâu, ngạt, hồi sức tại phòng sinh, non tháng, nhẹ cân.

Trẻ sinh non, cân nặng thấp dễ mắc nhiễm khuẩn sơ sinh.

Trẻ sinh non, cân nặng thấp dễ mắc nhiễm khuẩn sơ sinh.

2. Yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn sơ sinh sớm?

- Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ trước.

- Liên cầu khuẩn nhóm B cư trú ở mẹ, nhiễm khuẩn niệu hoặc nhiễm trùng trong thai kỳ hiện tại.

- Ối vỡ sớm, nước ối bẩn.

- Sinh non chuyển dạ tự nhiên.

- Vỡ ối > 18 giờ ở trẻ đẻ non.

- Mẹ sốt lúc sinh > 38°C, hoặc được theo dõi hoặc xác định chẩn đoán viêm màng ối.

- Mẹ có nghi ngờ hoặc xác định nhiễm trùng nặng cần tiêm kháng sinh trong khoảng thời gian 24 giờ trước và sau khi sinh.

- Trẻ sinh đôi cùng bị nghi ngờ hoặc xác định nhiễm trùng.

3. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm khuẩn sơ sinh sớm

Nhiễm khuẩn sơ sinh sớm là nhiễm khuẩn xảy ra trong vòng 3 ngày đầu sau sinh. (trước 72h sau sinh). Dạng lâm sàng thường gặp nhất là nhiễm trùng huyết. Triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn sơ sinh sớm bao gồm:

- Hô hấp: Xanh tím, rối loạn nhịp thở, thở rên, thở nhanh > 60 lần/phút + co kéo, ngừng thở > 15 giây.

- Tim mạch: Xanh tái, da nổi bông, nhịp tim nhanh > 160 lần/phút, lạnh đầu chi, thời gian hồng trở lại của da kéo dài > 3s, huyết áp hạ.

- Tiêu hóa: Bú kém, bỏ bú, trướng bụng, nôn ói, tiêu chảy, dịch dạ dày ứ > 2/3 số lượng sữa bơm cử trước.

- Da và niêm mạc: Da tái, nổi vân tím, phát ban, xuất huyết, vàng da sớm trước 24 giờ. nốt mủ, phù nề, cứng bì.

- Thần kinh: Tăng hoặc giảm trương lực cơ, dễ bị kích thích, co giật, thóp phồng, giảm phản xạ, hôn mê.

- Huyết học: Tử ban, tụ máu dưới da, xuất huyết nhiều nơi, gan lách to.

- Thực thể: Đứng cân hoặc sụt cân. Rối loạn điều hòa thân nhiệt.

4. Các xét nghiệm cần làm khi trẻ mắc nhiễm khuẩn sơ sinh sớm

- Công thức máu: bạch cầu trung tính < 2 hoặc >15 G/L, tiểu cầu < 100 G/L. Tỉ lệ bạch cầu non: trưởng thành > 0,2.

- Đo CRP lúc trẻ có biểu hiện lâm sàng và 18 - 24 giờ sau, CRP > 10 mg/l.

- Đông máu có thể rối loạn (INR > 2).

- Tăng/hạ đường huyết.

- Khí máu nếu trẻ có suy hô hấp: toan chuyển hóa (BE ≥ -10).

- Cấy máu (trong tất cả trường hợp).

- Xem xét soi và cấy nước tiểu (không làm thường quy).

- Nếu có biểu hiện nhiễm khuẩn ở da, mắt, rốn thì cấy mủ. Nhiễm khuẩn mắt: chú ý tìm clamydia hoặc lậu cầu và bắt đầu kháng sinh toàn thân trong khi chờ kết quả.

- Chọc dịch não tủy nếu nhiễm trùng nặng hoặc có biểu hiện của viêm màng não mủ.

- Các thăm dò khác: X - quang ngực/bụng.

Xét nghiệm là biện pháp phát hiện trẻ mắc nhiễm khuẩn sơ sinh sớm.

Xét nghiệm là biện pháp phát hiện trẻ mắc nhiễm khuẩn sơ sinh sớm.

5. Khi nào cần mang trẻ nhiễm khuẩn sơ sinh đến bệnh viện?

Khi trẻ có biểu hiện khó thở, co giật, sốt hoặc cảm thấy lạnh, chảy máu, tiêu chảy, quá nhẹ cân, hoàn toàn không bú được cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện.

Đưa trẻ đến bệnh viện càng nhanh càng tốt nếu trẻ: bú khó, mủ mắt, mụn mủ da, vàng da, rốn đỏ hoặc chảy mủ, bú dưới 5 lần trong 24 giờ.

6. Phương pháp điều trị nhiễm khuẩn sơ sinh sớm được áp dụng

Theo BSCKI Vũ Thanh Tuấn (Khoa Hô hấp, Bệnh viện Medlatec), trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh sớm sẽ cần điều trị tích cực và theo dõi sát sao để kịp thời xử lý nếu gặp phải biến chứng bằng cách sau:

Sử dụng kháng sinh

Với trẻ nhiễm trùng sơ sinh sớm, kháng sinh thường chọn là Aminosid và Beta Lactamin. Nếu do vi khuẩn nguy hiểm hoặc không có hiệu quả, bác sĩ sẽ xem xét phác đồ điều trị với kháng sinh mạnh hơn.

Thời gian sử dụng phác đồ kháng sinh điều trị nhiễm trùng sơ sinh sớm là khác nhau với từng loại bệnh, trong đó nhiễm trùng máu là phổ biến với phác đồ điều trị trong 10 ngày.

Theo dõi và vệ sinh

Trẻ khi điều trị nhiễm trùng sơ sinh sớm sẽ được nằm phòng riêng ngăn ngừa nhiễm trùng tiến triển, hạn chế tiếp xúc với người nhà và được theo dõi điều trị đặc biệt.

Liệu pháp hỗ trợ

Tùy vào triệu chứng và biến chứng mà trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh sớm gặp phải, sẽ cần can thiệp điều trị giảm triệu chứng như:

- Thay máu.

- Chống rối loạn đông máu.

- Chống suy hô hấp cấp.

- Cân bằng nước, điện giải, toan kiềm.

- Cân bằng thân nhiệt.

- Sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch.

Chăm sóc trẻ phải đảm bảo vệ sinh phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn sơ sinh. Ảnh: BVPSHN

Chăm sóc trẻ phải đảm bảo vệ sinh phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn sơ sinh. Ảnh: BVPSHN

7. Các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn trẻ sơ sinh

Trước khi sinh:

– Bà mẹ được khám thai, chủng ngừa đầy đủ. Điều trị tốt các bệnh lý và nhiễm trùng tiết niệu sinh dục cho bà mẹ.

– Cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, phòng suy dinh dưỡng cho bà mẹ.

– Chăm sóc vệ sinh cho bà mẹ mang thai tốt.

– Xử trí tốt những trường hợp ối vỡ sớm, ối vỡ non. Tránh để chuyển dạ kéo dài

Trong khi sinh:

– Bảo đảm sinh sạch. Tránh nhiễm trùng lây qua các dụng cụ, bàn tay người chăm sóc, cũng như những nhiễm trùng ở mẹ phải được điều trị tốt khi sinh.

– Tránh các biến chứng sản khoa: sinh ngạt, sang chấn sản khoa cho mẹ và con.

Sau khi sinh:

– Rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Đây là biện pháp rất quan trọng và hiệu quả trong phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh.

– Chăm sóc vệ sinh da, rốn, mắt cho bé.

– Phòng ốc cho trẻ sơ sinh cần thoáng, ấm, sạch và có ánh sáng đủ.

– Cho trẻ bú sữa mẹ.

Tin cùng chuyên mục

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8:26 | 19/04/2024

Nếu bạn muốn sống đến 100 tuổi, chuyên gia dinh dưỡng và tuổi thọ người Mỹ cho biết có một loại thực phẩm đặc biệt mà bạn nên ăn hằng ngày, đó là rau lá xanh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.