1. Ngủ trưa giúp tăng cường năng lượng một cách tự nhiên
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ trưa dù dài hay ngắn đều giúp cải thiện chức năng nhận thức và mức độ tỉnh táo của cơ thể nhưng ngủ trưa trong thời gian dài khiến bạn khó ngủ vào ban đêm.
Sau đây là một số lưu ý khi ngủ trưa:
- Không ngủ trưa quá muộn trong ngày.
- Không ngủ quá 30 phút.
- Sử dụng mặt nạ che mắt hoặc nút tai để chặn ánh sáng hoặc âm thanh bên ngoài.
2. Giảm căng thẳng
Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cách. Căng thẳng mạn tính (kéo dài) có thể gây khó ngủ, dẫn đến mệt mỏi. Giảm căng thẳng sẽ làm giảm mệt mỏi, cung cấp nhiều năng lượng hơn.
Sau đây là một số cách giảm căng thẳng:
- Hạn chế tiêu thụ caffeine.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Ngủ đủ giấc mỗi đêm.
- Thiền định.
- Thực hiện các bài tập thở...
3. Uống đủ nước
Mất nước có thể khiến cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, khô miệng và da, cáu kỉnh... Bên cạnh đó, mất nước còn được chứng minh là ảnh hưởng tiêu cực đến sự chú ý, trí nhớ.
Ngược lại, uống đủ nước có tác dụng tăng cường năng lượng, giảm mệt mỏi, tăng sự tập trung.
Bạn nên uống khoảng 1,5- 2 lít nước mỗi ngày hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào mức độ hoạt động, độ tuổi, môi trường, tình trạng sức khỏe, cân nặng.
Một số cách để tăng lượng nước uống:
- Chọn nước lọc thay vì đồ uống có đường như nước tăng lực, soda.
- Tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều nước như cần tây, rau diếp, dâu tây, dưa hấu...
- Uống nước bất cứ khi nào, ngay cả khi chưa khát...
4. Tăng cường vitamin D
Vitamin D rất cần thiết cho xương chắc khỏe. Nồng độ vitamin D thấp có thể gây mệt mỏi, suy nhược. Tăng lượng vitamin D hấp thụ giúp giảm mệt mỏi cơ, giữ cho các tế bào cơ khỏe mạnh.
Bạn có thể tăng lượng vitamin D hấp thụ bằng cách:
- Ăn thực phẩm giàu vitamin D (ví dụ như lòng đỏ trứng, gan, cá nước mặn...).
- Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời...
5. Bổ sung vitamin B12
Vitamin B12 giúp hình thành các tế bào hồng cầu, hỗ trợ hệ thần kinh khỏe mạnh. Thiếu hụt vitamin B12 có thể gây mệt mỏi, suy nhược. Các nguồn vitamin B12 trong thực phẩm bao gồm thịt bò, sữa, hàu, cá mòi, sữa chua.
Những người ăn chay hoặc ăn thuần chay có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ đủ vitamin B12. Thực phẩm từ động vật là nguồn cung cấp vitamin tự nhiên tốt nhất, nên hãy trao đổi với chuyên gia y tế để lựa chọn loại thực phẩm giúp bổ sung vitamin B12.
6. Vận động nhiều hơn
Nếu bạn có lối sống tĩnh tại, ít vận động thì nên thay đổi bằng cách tăng cường hoạt động thể chất để nâng cao mức năng lượng cho cơ thể. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bài tập cường độ vừa phải trong thời gian ngắn trong ngày, có thể cải thiện tâm trạng và giảm mệt mỏi mà không ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất làm việc.
Bạn có thể tăng thời gian vận động bằng cách đứng dậy sau mỗi 30 đến 60 phút, đồng thời kết hợp nhiều biện pháp để tăng cường vận động như leo cầu thang thay vì đi thang máy, đi xe đạp đến trường hoặc nơi làm việc, đi bộ nhanh quanh khu phố hoặc nơi làm việc...
7. Thiết lập thói quen tăng cường năng lượng bền vững
Thiết lập thói quen thức dậy - đi ngủ vào cùng một thời điểm hàng ngày có thể giúp bạn tăng cường năng lượng trong ngày. Ngoài ra, bạn có thể thiết lập các thói quen khác để tăng cường năng lượng như:
- Ra ngoài để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tự nhiên trong khoảng 30 phút mỗi ngày.
- Hạn chế lượng caffeine, nicotine nạp vào, đặc biệt là trong vòng sáu đến tám giờ trước khi đi ngủ.
- Dành thời gian cho hoạt động thể chất mỗi ngày nhưng không tập thể dục quá gần giờ đi ngủ.
8. Sử dụng liệu pháp hương thơm
Liệu pháp hương thơm bao gồm việc thoa tinh dầu, chẳng hạn như tinh dầu từ hoa, thảo mộc hoặc cây, lên da hoặc hít thở không khí có tinh dầu thông qua máy khuếch tán tinh dầu.
Một nghiên cứu được công bố năm 2022 cho thấy hỗn hợp nụ đinh hương, trầm hương, cam, cỏ xạ hương giúp giảm mệt mỏi, tăng cường năng lượng ở những phụ nữ mắc COVID-19 kéo dài. Các loại tinh dầu khác mà bạn có thể thử sử dụng bao gồm tinh dầu gừng, chanh, cây trà...
Để tăng cường năng lượng, ngoài những biện pháp này, bạn cũng nên hạn chế uống rượu, tiêu thụ thực phẩm lành mạnh, hợp lý...