Cảm động hành trình đi tìm di ảnh cho người chiến sĩ Gạc Ma

Chúng tôi tìm về xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) để tìm hiểu về cuộc đời của liệt sĩ Trần Quốc Trị (SN 1966), người con anh hùng của quê hương Quảng Bình đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988. Qua những lời kể, chúng tôi biết và hiểu được nh

Gửi mãi thanh xuân nơi trùng khơi

Theo lời kể của ông Trần Quốc Tuấn (SN 1954, anh trai của liệt sĩ Trần Quốc Trị), trong hồi ức của ông, em trai của mình là một người em ngoan, siêng năng. Năm 1986, khi tuổi đời vừa tròn 20, theo tiếng gọi của tổ quốc em trai ông lên đường nhập ngũ.

Là người có ngoại hình ưa nhìn, lại học giỏi nên anh Trị được sự thương mến của nhiều thiếu nữ. Ngày tòng quân, anh đã để lại lời hứa ngày xuất ngũ sẽ cưới cô người yêu xinh đẹp quen biết từ lâu. Để thực hiện lời hứa ấy chiến sĩ Trị càng cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

"Lúc về phép thăm nhà, chú Trị có nói với cha về việc lúc ra quân sẽ đi dạm ngõ. Nhưng rồi em nó hy sinh gia đình không thể tin nổi dù nhận giấy báo tử. Thương em tôi khóc nhiều lắm, giờ cứ nhìn thấy biển là lại nhớ em trai. Mẹ thương em nên sầu muộn, bệnh tật rồi cũng mất 3 năm sau", ông Tuấn tâm sự.

Hành trình "tìm ảnh cho anh"

Ông Trần Quốc Tuấn ngậm ngùi cho biết ngày hay tin em trai hy sinh, gia đình lục tìm, dò hỏi khắp nơi nhưng không thể nào tìm được một bức hình nào để làm di ảnh đặt lên bàn thờ liệt sĩ Trần Quốc Trị.

Những năm qua cũng có nhiều cơ quan, đoàn thể và cá nhân giúp gia đình tìm ảnh, trong đó Huyện đoàn Bố Trạch đã phát động chương trình "Tìm ảnh cho anh" và phân công các cơ sở Đoàn liên hệ với đồng đội, bạn bè của liệt sĩ trong tỉnh và toàn quốc nhưng vẫn không tìm được một bức di ảnh nào.

Tưởng chừng việc tìm di ảnh của người em đi vào ngõ cụt thì may mắn đến với gia đình khi vào cuối năm 2020, PGS.TS Ngô Văn Minh, Trưởng khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Hồ Chí Minh khu vực 3 đến thăm và đưa ra một tấm ảnh để xác nhận có phải là của liệt sĩ Trần Quốc Trị. Niềm vui vỡ òa, vừa nhìn ông Tuấn đã nhận ngay ra người trong hình là em trai đã hy sinh hơn 30 năm trước.

"Hơn 30 năm gia đình, bạn bè, các cơ quan tìm kiếm không thấy, lúc đó thầy Minh ra báo tin tìm thấy ảnh thì gia đình cảm động tột cùng. Sau hơn 30 năm gia đình mới nhìn thấy được hình bóng của liệt sĩ Trần Quốc Trị", ông Tuấn xúc động chia sẻ.

Được biết, hành trình "Tìm ảnh cho anh" của PGS.TS Ngô Văn Minh là hành trình không ngơi nghỉ. Trong những chuyến công tác ở Quảng Bình, ông luôn chia sẻ câu chuyện nhằm kêu gọi, kết nối nhiều người hơn để cùng tìm kiếm di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị. Dù cuộc tìm kiếm gần như vô vọng, nhưng PGS.TS Ngô Văn Minh vẫn kiên trì với hành trình "Tìm ảnh cho anh".

Không phụ sự mong đợi, Thượng tá Phượng đã tìm được hồ sơ lưu trữ của liệt sĩ Trần Quốc Trị, trong đó có bức ảnh chân dung với đầy đủ thông tin. Ngay trong đêm mưa gió, PGS.TS Ngô Văn Minh đã tìm đến gia đình thân nhân liệt sĩ Trần Quốc Trị. Sau khi trao một bức di ảnh cho gia đình liệt sĩ Trần Quốc Trị, TS Minh đã vào Khánh Hòa và tận tay trao tấm ảnh này cho Ban Quản lý khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma.

Còn gì vui hơn khi sau những ngày dài miệt mài tìm kiếm, PGS.TS Ngô Văn Minh đã hoàn thành lời hứa của mình với người liệt sĩ Gạc Ma. Vậy là bàn thờ liệt sĩ tại ngôi nhà nhỏ nơi quê nhà và khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma giờ đây đã có bức di ảnh của người anh hùng của liệt sĩ Trần Quốc Trị.