Tiếng loa giữa đại ngàn gọi người dân lên rẫy, truyền tải thông tin khắp bản xa

Tiếng loa phát thanh của những người lính biên phòng ngân vang giữa địa ngàn Trường Sơn không chỉ truyền tải nhiều thông tin kinh tế, văn hóa, xã hội đến người dân mà còn là mốc báo thức để người dân dậy sớm lên rẫy.

Xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là địa phương có địa hình rộng lớn, ở giữa đại ngàn Trường Sơn nên xã Thượng Trạch có vị trí địa lý khá cách trở. Việc di chuyển giữa các bản làng trong xã đã khó khăn nên việc đi lại, giao thương với các địa phương miền xuôi càng bội phần khó khăn.

 Bản làng của xã vùng biên Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Cư dân sinh sống tại 18 bản làng nơi đây phần lớn là bà con đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru Vân Kiều) với gần 90% dân số. Cuộc sống của người dân nơi đây gần như gắn liền với núi rừng, nương rẫy. Phần lớn các bản đều chưa có điện lưới quốc gia nên đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn.

Là địa bàn biên giới, kinh tế còn nhiều khó khăn nên tại đây đang thiếu các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân tiếp cận các nguồn thông tin, nắm bắt tình hình của đất nước, địa phương. Bên cạnh đó, địa hình phức tạp nên công tác tổ chức tuyên truyền cho người dân theo hình thức tập trung gặp rất nhiều trở ngại.

Thượng tá Dương Anh Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cồn Roàng, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết: Từ vị trí đơn vị đóng quân đến bản xa nhất với khoảng cách hơn 15km, đường sá đi lại rất khó khăn nên công tác vận động bà con là vấn đề "trăn trở" đối với cán bộ, chiến sĩ của đồn.

 Từ khó khăn, những người lính biên phòng đã nảy ra sáng kiến.

Để kịp thời đưa thông tin về với người dân, giúp người dân nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Đồn Biên phòng Cồn Roàng (được giao phụ trách 8 bản giáp Lào) đã nảy ra nhiều sáng kiến.

Từ kinh nghiệm tuyên truyền bằng "xe máy chở loa thùng" để phòng, chống dịch COVID-19 trong bà con dân bản, những người lính nơi đây tiến hành lắp đặt thí điểm hệ thống loa phát thanh tại bản Cốc. Từ hiệu quả thực tế của mô hình thí điểm tại bản Cốc, Đồn Biên phòng Cồn Roàng đã tiến hành nhân rộng ra 7 bản còn lại. Kinh phí của những hệ thống loa này được trích từ nguồn tăng gia sản xuất của đơn vị.

 Kinh phí của những hệ thống loa này được trích từ nguồn tăng gia sản xuất của đơn vị.

Với thời lượng phát thanh buổi sáng từ 5h đến 6h30 phút và buổi tối từ 18h đến 20h hằng ngày, nhiều nội dung quan trọng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những thông tin kinh tế, văn hóa, xã hội khác đã được chuyển tải đến người dân.

"Từ khi được Bộ đội Biên phòng Đồn Cồn Roàng lắp cho loa, cả bản mình vui hẳn lên. Trước đây, khi chưa có loa, người dân trong bản thường thức dậy khi nghe tiếng gà gáy sáng. Nay có tiếng loa phát ra mỗi sáng, cả bản đều biết để dậy sớm để lên nương lên rẫy, dậy sớm để làm việc và nghe được những thông tin của Đảng, Nhà nước để hiểu và thực hiện", ông Đinh Dự, 56 tuổi, Trưởng bản Cà Roòng 1 chia sẻ.

 Từ 1 bản thí điểm nay 7 bản đã có loa, mang lại nhiều lợi ích cho dân bản.

Qua công tác triển khai, đơn vị tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá "tiếng loa bản xa" là mô hình mới, đạt hiệu quả cao trong công tác vận động bà con dân bản ở nơi biên giới.

Ông Đinh Cu, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết: "Tiếng loa bản xa" của Đồn Biên phòng Cồn Roàng đã giúp người dân ở các bản xa thường xuyên được tiếp cận thông tin thời sự, những nội dung thông báo của địa phương, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nơi biên giới".